Khi nào cha mẹ phải trả nợ thay con cái? Có đứa con hư cha mẹ phải nhớ điều này để tránh bị “dí”
Không ít bậc cha mẹ có con vay nợ và đã bị chủ nợ “dí” bắt trả nợ thay con.
12:28 24/09/2024
Trong thực tế có những câu chuyện đau lòng xảy ra là con cái đi vay nợ không trả nổi và cha mẹ phải còn lưng lên trả thay con, nếu không sẽ bị chủ nợ truy đuổi.
Cha mẹ có bắt buộc phải trả nợ thay con?
Pháp luật có những quy định cụ thể về trách nhiệm của cha mẹ với con cái. Điều 21 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2015 quy định: “Người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi” và “Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý”.
Còn điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng quy định quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái như: Thương yêu, tôn trọng ý kiến của con; trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình…
Theo các quy định trên thì khi con đủ 15 tuổi trở lên có quyền tự mình xác lập giao dịch dân sự trong phạm vi cho phép và tự chịu trách nhiệm với giao dịch đó. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ cũng không đề cập tới việc cha mẹ có trách nhiệm trả nợ cho con.
Do đó, nếu con từ đủ 15 tuổi trở lên vay tiền thì nghĩa vụ trả nợ thuộc về người con, cha mẹ không có nghĩa vụ phải trả nợ thay, những chủ nợ không có quyền ép cha mẹ trả nợ thay. Trường hợp này chỉ có cha mẹ tự nguyện trả thay.
Nếu cha mẹ không tự nguyện trả, bị chủ nợ quấy rối, gây sức ép bắt phải trả nợ thì cha mẹ có thể trình báo cơ quan chức năng để có phương án giải quyết phù hợp.
Khi nào cha mẹ phải trả nợ thay con?
Các trường hợp dưới đây cha mẹ phải trả nợ thay con:
-Khi cha mẹ là người bảo lãnh cho khoản vay của con cái. Theo quy định tại Điều 335 BLDS năm 2015: Bảo lãnh là việc người thứ ba cam kết với bên có quyền sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
Nên nếu cha mẹ đồng ý bảo lãnh cho khoản vay của con thì trong mọi trường hợp tuổi của con,cha mẹ có nghĩa vụ trả thay khi con không trả được nợ.
– Cha mẹ trả nợ thay nếu được nhận di sản thừa kế từ con cái. Khi người để lại di sản qua đời, những người hưởng thừa kế của người này phải thực hiện nghĩa vụ tài sản mà người chết để lại. Do đó nếu con vay tiền nhưng qua đời và để lại tài sản cho cha mẹ, thì đồng thời với việc hưởng thừa kế, cha mẹ phải trả thay khoản nợ của con để lại. Cha mẹ sẽ dùng chính tài sản mình được hưởng thừa kế để thực hiện nghĩa vụ trả nợ và chỉ phải trả nợ trong phạm vi giá trị tài sản đã được nhận thừa kế và được xem như là thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại.
– Chuyển giao nghĩa vụ. Theo quy định tại Điều 370 BLDS năm 2015, thì nếu cha mẹ đồng ý tự nguyện trả nợ thay cho con của mình thì sẽ trở thành người thế nghĩa vụ trong hợp đồng vay của con cái với bên cho vay với điều kiện là bên cho vay đồng ý với việc thế nghĩa vụ này của cha mẹ người đi vay.
Như vậy theo quy định của pháp luật thì cha mẹ chỉ phải trả nợ thay trong trường hợp cha mẹ tự nguyện trả nợ (chuyển giao nghĩa vụ) hoặc do đã có thỏa thuận từ trước (bảo lãnh) hoặc khi cha mẹ được nhận thừa kế tài sản do con cái để lại.
[
[