Huyền thoại ẩm thực Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân sau 3 năm đi tu: An yên sống, làm YouTube nấu ăn
Trải qua quá nhiều sóng gió, nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân đã xuống tóc, an yên với đời sống tu hành với thân phận sư cô Tuệ Vân.
22:08 02/01/2023
Sau những khổ đau và danh vọng, buông bỏ đi tu
Nghệ sĩ ẩm thực Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân là tên tuổi gắn liền với những mỹ danh như “huyền thoại gian bếp Việt”, “huyền thoại ẩm thực”, “cẩm nang sống về ẩm thực”… khoảng hai chục năm về trước. Là nhân vật quen mặt của chương trình “Khéo tay hay làm”, bà được công chúng yêu mến hết mực bởi cách nói nhẹ nhàng, truyền cảm và những công thức nấu nướng thanh lành, thuần Việt.
Nghệ nhân Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân là một huyền thoại ẩm thực Việt.
Trước khi có “hào quang” từ sự nổi tiếng, cuộc sống riêng của bà Cẩm Vân có nhiều sóng gió. Bà sinh ra ở Hà Nội, theo gia đình vào Gia Lai từ nhỏ.
Khi lớn lên, bà được ba mẹ gửi lên Sài Gòn học tập, sinh sống rồi lập gia đình. Bà sống êm đềm trong gia đình, làm giáo viên dạy văn lại trường PTTH Nguyễn Thượng Hiền.
Bà Cẩm Vân từng tâm sự, là con út trong nhà, từ nhỏ bà đã sống trong nề nếp gia đình, được yêu chiều, có phần mềm mỏng, thậm chí yếu đuối về tính cách. Nhưng những phong ba của cuộc đời đã khiến bà phải vững chãi, mạnh mẽ mà sống.
Khi mẹ mắc bệnh tim và qua đời, đó là một cú sốc lớn gần như đánh gục ý chí của bà Cẩm Vân. Rồi cả người con trai út cũng phát bệnh tim khi mới vài tuổi. Để có tiền trang trải cuộc sống, ngoài giờ dạy, bà còn nhận đan len, móc áo, thêu thùa, may gia công…
Để cứu sống con, năm 1989, Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân quyết định nghỉ việc, đưa con sang Úc chữa trị, với vỏn vẹn 25 đô la (5 đô của mình và 20 đô của một người bạn dúi vội cho). Bà sống ở Úc hơn 1 năm, vừa đi làm kiếm tiền chữa bệnh cho con trai út, vừa gửi tiền về để chồng nuôi con trai lớn ở Việt Nam.
Quay trở lại Việt Nam, bà “thất nghiệp” nên xin vào hẳn Trung tâm Dạy nghề Tân Bình để dạy làm bánh, dạy nghệ thuật nấu ăn. Những kinh nghiệm nấu nướng trong gia đình, sự tinh tế trong cảm nhận ẩm thực đã giúp bà nhanh chóng thành công trong việc mở lớp dạy nấu ăn.
Năm 1993, chương trình Khéo tay hay làm mời bà làm MC, hướng dẫn nấu ăn cho hàng triệu khán giả truyền hình. Đây chính là đòn bẩy khiến cái tên Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân trở nên vô cùng nổi tiếng, được nhiều chương trình ẩm thực “săn đón”.
Bà cũng trở thành giảng viên ẩm thực cho các trường đại học, nhà hàng và xuất bản tự truyện, vài chục đầu sách nấu ăn với hàng nghìn công thức món ăn thuần Việt. Bà cũng là một nghệ nhân tích cực truyền bá cho ẩm thực Việt, làm chủ 3 nhà hàng tại Sài Gòn.
Đến năm 2012, nữ đầu bếp dần ít xuất hiện trên truyền hình và các chương trình giảng dạy. Bà gần như lui về ở ẩn và quy y cửa Phật, nguyện dành tâm huyết để sáng tạo và giới thiệu 500 món ăn chay cho những người mới bắt đầu tìm hiểu về ăn thực vật cũng như những người ăn chay trường có thêm công thức nấu nướng đủ dinh dưỡng.
Những tưởng những năm tháng về sau chỉ còn yên ả, đột ngột năm 2014, con trai cả của bà qua đời ở tuổi 35. Bà suy sụp tinh thần, thường xuyên mất ngủ trong nhiều tháng khi con ra đi. Bà gửi lòng vào cửa Phật, đến Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt để giúp nấu món chay, mong những gánh nặng trong lòng vơi bớt.
(Ảnh: Tuệ Vân)
Rồi một lần gặp Hòa Thượng Thích Thanh Từ, sư ông đặt tay lên trán bà và nói một câu khiến bà suy nghĩ mãi: “Sao con buồn vậy, buông đi con”. Bà nhiều đêm tìm lời giải cho câu nói ấy, và hiểu ra, mình cần buông những nỗi đau khổ, buông thất tình lục dục của cõi người, buông cả sự u uất nhớ thương người con trai đã khuất.
Sau cuộc gặp ấy, bà không còn là Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân nữa, mà quyết định xuống tóc đi tu với pháp danh Tuệ Vân, năm 2019. Hình ảnh huyền thoại ẩm thực Việt cười an lạc với bộ áo tu hành trong ngày xuống tóc đã khiến khán giả ngỡ ngàng.
Bước chân vân du nương náu cửa thiền
Một thời gian dài sau khi xuống tóc, bà gần như không xuất hiện trên truyền thông hay mạng xã hội. Công chúng đoán rằng, bà đang ở ẩn, sống cuộc sống tu hành an yên, bởi bà đi tu khi mà đã bước qua hết mọi trải nghiệm của cuộc sống rồi.
Rồi bà xuất hiện trở lại trên mạng xã hội, ở nền tảng Facebook và YouTube. Sư cô Tuệ Vân cho biết, vì lý do sức khỏe, sư cô không đến chùa tu hành mà vẫn sống tại nhà, nhưng vẫn tuân thủ các giới luật của người tu. Nhìn vào những bức ảnh bà đăng tải trên trang Facebook, có thể thấy gương mặt của bà ngày càng phúc hậu, an lạc, không còn nét thoảng buồn như xưa.
(Ảnh: Tuệ Vân)
Thông qua mạng xã hội, bà chia sẻ một vài tâm tư, những suy nghĩ, cảm xúc của quá trình tu hành. Bà chọn cho mình một cách tu rất gần gũi với cuộc đời, thông qua việc ra mắt kênh YouTube dạy nấu ăn. Ở kênh YouTube này, bà chủ yếu làm các video hướng dẫn nấu món chay. Kênh YouTube này đã đạt “nút bạc” với lượng theo dõi 203 nghìn.
Nội dung kênh thể hiện tâm huyết một đời làm ẩm thực của bà, với cách nấu nướng đơn giản, nguyên liệu thanh lành, dễ tìm mà thành phẩm lại hấp dẫn.
(Ảnh: Tuệ Vân)
Nhớ lại ngày đầu ra mắt kênh YouTube, bà đã chia sẻ những lời tâm sự rất xúc động:
“Hôm nay, tôi đứng đây bắt đầu một chặng đường mới. Mấy chục năm từng đứng trong bếp và đứng trước ống kính máy quay nhưng sao lần này lòng tôi lại thật bồi hồi, xúc cảm. Có thể đây không phải là trường quay với ánh sáng chói lòa mà chỉ là một không gian thật yên tĩnh với ánh sáng thật êm. Và tôi, cũng không còn là Nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân nữa, mà chỉ đơn giản là sư cô Tuệ Vân.
Sau nhiều đắn đo để tìm một cái tên cho kênh nấu ăn của mình, một bạn đã cho tôi cái tên “Vân Du Chay”. Xin tạm hiểu đó là cuộc dạo chơi qua miền ẩm thực chay mang đậm nét thiền vị. Sau 500 món chay phát trên kênh của Diệu Pháp Âm, giờ đây tôi chỉ có một mong ước đó là lan tỏa tình yêu bếp núc đến với mọi người thông qua những món chay thanh tịnh.”.
(Ảnh: Tuệ Vân)
Dù đã gần 70, sư cô Tuệ Vân vẫn dành thời gian livestream trò chuyện hàng tuần để giải đáp cho khán giả các thắc mắc về việc nấu nướng và ăn chay trên kênh YouTube. Đó là cách sư cô – đầu bếp chọn để tu hành và an lạc trong những năm tháng tuổi già
Câu chuyện làm lại cuộc đời từ con số 0 của cậu thiếu niên được giải cứu khỏi giáo phái tận thế khét tiếng nhất nước Úc
Mãi đến năm 15 tuổi, cậu thiếu niên Ben Shenton mới biết có một thế giới tồn tại song song mà cậu chưa từng nghe đến. Một thế giới rộng lớn, bền vững hơn, vượt khỏi dãy hàng rào kẽm gai - nơi mà cậu sẽ không bị "tẩy não", mắng nhiếc và đán h đậ p hàng ngày.