Em ơi, đừng ‘hám’ Việt kiều…

“Em ơi, đừng hám Việt kiều…” nói ra câu này nghe đau lòng quá, mà chắc cũng đụng… mạnh nữa, chứ không phải chỉ “chạm” không thôi.

10:03 12/12/2022

Nhưng mà, mích lòng trước đặng lòng sau, phải nói huỵch toẹt một lần, để nhiều người không còn qua điện thoại qua email, hay gõ cửa tòa báo, thậm chí “đập” trang “Facebook Người Việt” để mà kêu “Cứu! Cứu!” sau khi bị những cái mác Việt kiều lừa cho sạch tiền, làm cho to bụng, rồi uất ức, phẫn chí. Thấy vừa giận cho sự hám lợi mà lại vừa thương quá đỗi cho những nhẹ dạ, cả tin.

Nói ngay ra liền là người Việt ra đời ứng mạng “chim di” nên cứ phải di chuyển mãi, mà chốn được xem là bến bờ mơ ước của nhiều người khi bước chân đi không đâu khác hơn là đất Mỹ.

Thế nên, những ai có được tấm thẻ xanh ở Mỹ coi như đã “oách” rồi, còn chìa thêm cái mác công dân Mỹ nữa thì ôi thôi, cứ như đã cầm chắc có $60,000 “tiền tươi” đi, nếu chịu một lần hy sinh đời nam hay đời nữ, đồng ý về Việt Nam kết hôn với một người, rồi mang họ sang xứ thiên đường. Có người chịu chơi, chấp nhận hy sinh tới 3, thậm chí 4 lần luôn, vì không gì hạnh phúc bằng hy sinh mà không chết, hy sinh mà được tiền lẫn được tình… “free,” thì tội gì không hy sinh.

Đó là nói những người “làm ăn đàng hoàng” nha, tức có chung chi, có làm hồ sơ bảo lãnh tử tế, rồi sau đó “sugar you, you go, sugar me, me… dông,” đường anh, anh đi, đường tui, tui đi.

Tuy nhiên, bên cạnh những “thương vụ nghiêm túc” đó, còn có quá nhiều những người mang danh Việt kiều về Việt Nam kiếm lợi trên sự nhẹ dạ, cả tin của nhiều người dân quê, dĩ nhiên đa số là phụ nữ.

Tui chọn vài chuyện tiêu biểu kể ra đây để mọi người nghe, trước cho biết, sau là để nhắc nhở những người quen biết mình nên cảnh giác trước khi phải khóc sụt sùi vì tiếc đủ thứ.

Chuyện thứ nhất, mới nhất, số tiền bị mất hơn $7,000, coi như ít nhất, dù đó là cả tài sản của người không khá giả.

Một ông ở Houston, tuổi chừng 50, có vợ có con, rồi về Việt Nam làm quen với một bà cũng chừng ấy tuổi, nói “Thấy em nghèo tội nghiệp, thôi thì chạy tiền đưa cho anh, qua Mỹ anh làm giấy tờ bảo lãnh sang. Anh cũng ly dị vợ 3 năm rồi.”

Bà này nghĩ “chỗ quen biết” vì trước đó ông này đã làm quen với em họ của bà này, hứa hẹn kết hôn, nhưng không biết hậu trường thế nào mà chia tay, nên bà “nhào vô.” Mà bà còn nghĩ “Thấy người ở bển về nghĩ là tử tế” (trời, sao tự dưng nghĩ vậy chi mà tội vậy). Thế là hôm Tháng Năm vừa rồi, theo tên họ, địa chỉ, số tài khoản ngân hàng Bank of American mà ông đưa, bà chuyển vào cho ông $7,350.

Rồi thì. Xong phim. Người đàn ông có họ là tên của loài hoa mà Tết đến nhà nhà ở Việt Nam đều chưng, nhà apartment ở đường Cook, Houston bắt đầu ca bài tình vờ, đóng hết Facebook, không trả lời tin nhắn, sau khi hứa hẹn “khi nào bán nhà được anh sẽ trả lại tiền cho” (đã có nhà sao còn ở apartment chi vậy cha!).

Chuyện thứ hai, dài hơi hơn, cái bị mất khó quy ra thành tiền, bởi nó là cuộc đời.

Chị này vốn đã có 3 con, ly dị chồng. Một chàng Việt kiều về tán tỉnh, hứa hẹn, và tặng cho chị một cái bầu. Người Công Giáo, ở vùng quê, nghe đồn có Việt kiều về cưới, mà hoài không thấy cưới hỏi gì, ngoài cái bụng cứ lớn ra, nên chị phải trốn, để sinh con, và chờ đợi chàng làm giấy tờ.

Rồi thì chị cũng có hôn thú, và đứa bé cũng có giấy khai sinh mang quốc tịch Mỹ. Nhưng, chỉ vậy thôi. Và chàng biến mất. Đùng một cái, chị thấy hình đám cưới chàng và một nàng xinh tươi khác đăng trên Facebook của một em nào đó. Chị tá hỏa, hỏi dò la tùm lum, nhờ cả luật sư thì ở đâu lòi ra rằng chàng đã nộp đơn ly dị với chị ở tòa án Santa Ana, California.

Rồi, giờ chị cũng không biết rằng thì là như thế nào. Có chồng không ra có chồng, mà ly dị cũng chẳng biết là xong chưa. Muốn đi Mỹ cũng coi như phải chờ cho thằng nhỏ 18 tuổi nó đi cái đã rồi sau đó sẽ bảo lãnh má nó sang. Mà khổ nỗi bây giờ nó mới có 2 tuổi.

Chị cứ lâu lâu lại réo tui hỏi, mà tui cũng có biết làm sao đâu. Mới hôm trước Noel, chị lại kể lể, thấy hình chàng đám cưới với một nàng khác nữa rồi. Eo ôi, vậy là sao. Tui đâu có biết. Hay là Việt kiều thích chụp hình đám cưới với nhiều người cho vui?

Chuyện thứ ba, là một chuyện ly kỳ, dù kết thúc coi như có hậu.

Một ông ở Cà Mau vay mượn tiền đầu tư nuôi tôm. Làm ăn thất bát, ông trắng tay, nợ nần quá đầu. Buồn tình đời, ông đi Châu Đốc, đến Miếu Bà Chúa Xứ cầu linh. Thẩn thơ trong miếu, ông vô tình lượm được gói nữ trang. Nhìn quanh quất, thấy có người phụ nữ sồn sồn hớt hơ hớt hải dáo dác tìm. Ông hỏi thì ra bà tìm gói nữ trang. Ông đưa trả. Bà mừng quá, muốn hậu tạ ông. Ông đùa, trả nhiều ông mới lấy.

Lời qua tiếng lại thế nào, bà kêu ông đưa về nhà. Bà nói bà là Việt kiều. Bà thấy ông tốt bụng, mà lại gặp nhau trong Chùa Bà chắc là cũng có duyên, thôi thì vợ chồng ông bàn tính, coi như bà trả ơn ông, sẽ làm kết hôn bảo lãnh ông sang Mỹ, rồi từ từ ông bảo lãnh vợ con sang, thay đổi cuộc đời.

Rồi bà đưa ông sang Mỹ thiệt. Nhưng từ lúc sang Mỹ, ông chỉ biết ở trong nhà, và làm một công việc duy nhất, đó là “phục vụ cho nhu cầu thân xác” của người phụ nữ kia. Có điều mỗi tháng, bà rất “sòng phẳng” gửi $200 về cho vợ con ông.

Đến một ngày, bà dẫn về nhà thêm vài ba bà bạn nữa. Và, ông chính là người mang lại “niềm vui” cho những người “bệnh hoạn” đó. Dĩ nhiên, như ông nói, họ có cho ông thêm tiền.

Ít tháng sau, bà nhờ người dạy ông lái xe. Khi ông có bằng lái, ông có thêm công việc là mỗi ngày lái xe chở bà đi sòng bài. Bà làm gì trong đó ông không biết. Ông chỉ việc ngồi trong xe, đến khi bà ra thì chở về. Không một chút tiếng Anh, không nhìn thấy người Việt, nước Mỹ với ông chỉ là ngôi nhà và con đường đến sòng bài, không trò chuyện tiếp xúc với ai.

Một hôm, nhân lúc bà đi vắng, đang ngồi trong nhà, ông bỗng nhìn thấy một người đưa thư gốc Châu Á. Ông chạy ra hỏi, thì chàng trai trẻ đó cho biết là người Việt nhưng… không rành tiếng Việt. Ông chỉ chờ có vậy, mừng quá, lấy giấy viết mấy hàng cầu cứu nhờ mang về cho người nhà biết đọc tiếng Việt.

Cuối cùng thì cậu của chàng đưa thư đó cũng hẹn gặp được ông ở nơi bãi xe của sòng bài. Ông kể cho ông cậu kia nghe về tình trạng của ông, như một kẻ “nô lệ thân xác,” và nhờ giúp đỡ.

Ông Việt kia gọi điện thoại báo cho cảnh sát, cho các tổ chức xã hội…

Cuối cùng, ông được giải thoát. Các tổ chức xã hội giúp đỡ ông trong việc hoàn tất các giấy tờ, cũng như thủ tục bảo lãnh vợ con ông.

Chuyện ông kể là lúc cuộc đời ông đã thấy ánh sáng, sau khi “thấy” Việt kiều.

Thôi thì đâu cũng có người này người khác. Cũng như Việt kiều cũng năm bảy loại. Mà những loại vừa kể giờ không ít. Cho nên, xin nhắc nhau “Em ơi, đừng hám Việt kiều, nếu không muốn khóc như Kiều ngày xưa!”

Tags:
Xót xa những câu chuyện ‘vỡ mộng nơi xứ người‘ của các gia đình Việt

Xót xa những câu chuyện ‘vỡ mộng nơi xứ người‘ của các gia đình Việt

"Nhưng cuộc sống xứ người không màu hồng như chị tưởng. Càng ngày, chị càng cảm thấy mình lạc lõng."

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất