Đi cắt amidan, cô gái Việt kiều phát hiện mình có nhóm máu hiếm nhất tại Việt Nam, liền làm ngay một việc đặc biệt này

Khi đi cắt amidan, Trang mới biết bản thân mang nhóm máu siêu hiếm. Cô quyết định sẽ hiến máu 3 lần mỗi năm và đăng ký ngay vào danh sách sẵn sàng cho máu khẩn cấp khi có người cần.

22:28 17/10/2024

Lê Trang (hay còn gọi là Nina Le, 33 tuổi) là Việt Kiều Canada và cô thường xuyên bay về nước thăm người thân tại Hà Nội. Trang mang trong mình nhóm máu hiếm nhất Việt Nam (AB Rh-) - đây là nhóm máu chỉ chiếm 0,04% - 0,07% dân số. Cô chỉ phát hiện điều này gần đây khi làm tiểu phẫu tại một bệnh viện trong nước.

Trang chỉ biết mình có nhóm mái hiếm sau lần đi cắt amidan tại Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Trang chia sẻ, thực ra, không phải vì quá vô tâm với sức khỏe nên bây giờ cô mới biết mình mang nhóm máu hiếm. Cách đây 7 năm, khi đang ở Canada và bị sẩy thai em bé đầu tiên, cô được bác sĩ cho biết do hai mẹ con bất đồng nhóm máu dẫn đến thai lưu. Khi đó, quá đau đớn vì mất đi đứa con yêu thương, Trang chẳng còn tâm trạng nào hỏi mình nhóm máu gì hay căn nguyên kỹ càng hơn.

Gần đây, Trang về Việt Nam cắt amidan và sau khi làm xét nghiệm máu cô mới được bác sĩ thông báo mình có nhóm máu "siêu hiếm".

Khi đó, các bác sĩ đề nghị mình phải viết cam kết trước khi cắt amidan. Thật sự mình cũng hơi run nhưng do bị amidan cả chục năm nay, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt nhiều, đồng thời nghĩ đây chỉ là tiểu phẫu nên mình đồng ý thực hiện. Cuối cùng mọi thứ cũng thuận lợi, không có vấn đề gì lớn xảy ra”, Trang tâm sự.

Khi Trang chia sẻ với gia đình về việc mình mang nhóm máu AB Rh-, cô mới phát hiện, mẹ và em trai có nhóm máu này và cũng chỉ biết khi trải qua cuộc phẫu thuật lớn trước đó.

Sau khi biết mình có nhóm máu AB Rh-, Trang quyết định sẽ đi hiến máu và đăng ký vào danh sách nhóm máu hiếm để giúp đỡ những người bệnh khi cần. Ảnh: NVCC.

Cắt amindan xong, việc đầu tiên Trang làm là tham gia vào hội những người có nhóm máu hiếm ở Việt Nam trên mạng xã hội. Tại đây, cô biết thêm nhiều câu chuyện về những người có nhóm máu hiếm khi cần máu mà không có nguồn hiến đã mất đi cơ hội được điều trị, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Cô quyết định kêu gọi mọi người hiến máu để giúp đỡ cộng đồng.

Có rất nhiều trường hợp máu hiếm cần máu mà không có hoặc không có kịp khiến không qua khỏi, đó chính là những bài học khiến mình suy nghĩ và muốn làm một điều gì đó để giúp đỡ người khác. Biết đâu những giọt máu bé nhỏ của mình lại hồi sinh được sự sống cho ai đó”, Trang chia sẻ.

Vài năm trước, Trang từng đăng ký đi hiến máu nhưng do chỉ nặng 39kg nên không đủ điều kiện. Giờ đây, cô tự hứa mỗi năm sẽ đi hiến máu ít nhất 3 lần, hy vọng sẽ giúp ích được cho người cần, đồng thời bản thân sẽ tự nâng niu, chăm sóc mình tốt hơn để có sức khỏe giúp đỡ được nhiều người.

Trang cho biết, sẽ phải nâng niu, chăm sóc sức khỏe tốt hơn để có sức khỏe giúp đỡ nhiều người. Ảnh: NVCC.

Khi nghe tôi chia sẻ ý định này, mọi người trong gia đình đều ủng hộ và coi đó là nghĩa cử cao đẹp nên làm. Thế nhưng, các anh chị trong nhóm máu hiếm lại nói rằng, thời gian trữ máu có hạn, không phải lúc nào cũng cần đến nhóm máu hiếm. Vì thế, chỉ cần có tâm, giữ liên lạc nếu có ai đó cần họ sẽ gọi mình đến hỗ trợ, như vậy là tốt nhất. Tuy nhiên, nếu được, tôi vẫn muốn hiến máu 3 tháng/lần, đồng thời đăng ký vào danh sách sẵn sàng cho máu khẩn cấp khi có ai đó cần, nhất là những người đối diện giữa lằn ranh sự sống và cái chết”, Trang bộc bạch.

Theo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nhóm máu Rh- là nhóm máu hiếm, chiếm tỷ lệ khoảng 0,04% - 0,07% dân số, trong đó, nhóm máu AB Rh- là hiếm nhất, với tỉ lệ chỉ 0,01%. Người có nhóm máu AB Rh- có thể hiến máu cho người thuộc nhóm máu AB + và AB-, và nhận máu hiến từ các nhóm AB-, A-, B- và O-.

Các bác sĩ cho biết, với những người mang nhóm máu hiếm, trong đó có nhóm máu AB Rh-, nguy cơ xảy ra tai biến sẽ cao hơn so với những nhóm máu bình thường, đặc biệt là rủi ro trong thai kỳ, phẫu thuật, sinh nở. Thậm chí, nếu bị truyền nhầm nhóm máu khác, họ có thể gặp hiện tượng tan máu, gây sốc, suy thận, trụy tim mạch... Ví dụ như trường hợp mang nhóm máu Rh- lần đầu tiên nhận máu từ người mang nhóm máu Rh+, có thể sẽ chưa xảy ra tai biến tức thì. Tuy nhiên sau 10 - 15 ngày truyền máu, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể anti D và sau 2 - 4 tháng nồng độ kháng thể đạt tối đa. Lúc này nếu tiếp tục nhận được truyền máu lần thứ 2 từ người Rh(+), người Rh(-) có thể gặp tai biến nguy hiểm.

Những người mẹ có nhóm Rh- nhưng thai nhi lại có nhóm máu Rh+ thì cơ thể người mẹ có thể phản ứng với máu của thai nhi và coi đó như một kháng nguyên lạ, từ đó sản sinh ra kháng thể anti D chống lại máu của bé. Khi đó, sẽ tạo ra sự bất đồng nhóm máu nguy hiểm, có thể gây sảy thai.

Chính vì sự nguy hiểm này, các bác sĩ khuyến cáo, những người thuộc nhóm máu hiếm nên tham gia câu lạc bộ người có cùng nhóm máu; khám và điều trị tại bệnh viện có mạng lưới hỗ trợ kịp thời để chủ động dự phòng trong tình huống khẩn cấp. Xét nghiệm Nhóm máu với yếu tố Rh của các cặp vợ chồng chuẩn bị kết hôn hoặc mang thai có thể phòng ngừa được yếu tố tán huyết không may ảnh hưởng sức khỏe mẹ và bé sau này.

Tags:
Cô gái trẻ bỏ việc sang Mỹ làm Nail: Tôi thấy cái gì ở Mỹ cũng đẹp cả. Nhưng đâu ngờ đằng sau là những khó khăn kinh khủng mà tôi phải trải qua

Cô gái trẻ bỏ việc sang Mỹ làm Nail: Tôi thấy cái gì ở Mỹ cũng đẹp cả. Nhưng đâu ngờ đằng sau là những khó khăn kinh khủng mà tôi phải trải qua

Tôi thấy cái gì ở Mỹ cũng đẹp cả, từ ngoài đường cho đến trong nhà. Nhưng đâu ngờ đằng sau đấy là những khó khăn kinh khủng mà tôi phải trải qua.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất