Danh ca Ý Lan: Sự thật sau ba cuộc hôn nhân và việc bị chê hát điệu, làm lố trên sân khấu

Cần nhìn nhận một cách bao dung để thấy rằng, đó là bản năng của người phụ nữ luôn muốn kiếm tìm hạnh phúc và cơ hội để sống vì nghệ thuật.

14:44 02/06/2023

Ý Lan được biết đến là một danh ca lớn, người con xuất sắc của huyền thoại Thái Thanh. Cô có một sự nghiệp đồ sộ, trải dài ở nhiều mảng âm nhạc khác nhau, từ dân ca tới tân nhạc, nhạc ngoại…

Tiếng hát của Ý Lan vô cùng điêu luyện, kỹ thuật và chứa đựng nhiều cảm xúc. Vậy nhưng, trong nhiều năm gần đây, cô bị đa số khán giả đánh giá là hát quá điệu.

Họ cho rằng, Ý Lan hát và biểu diễn điệu quá mức, dẫn tới giả tạo, làm lố, màu mè trên sân khấu. Một số người lại nhận định, Ý Lan cố tình bắt chước mẹ Thái Thanh, nhưng làm không tới nên thành ra điệu "chảy nước".

Ý Lan mẹ và Thái Thanh

Vậy, Ý Lan có thực sự hát quá điệu và bắt chước Thái Thanh, hay đó là một phong cách riêng độc đáo?

Trên thực tế, "điệu" là phong cách, tâm hồn, cá tính âm nhạc và bản ngã riêng có, làm nên thương hiệu, dấu ấn riêng của Ý Lan trong nền âm nhạc Việt Nam suốt 50 năm qua. Rất nhiều ca sĩ hát điệu, nhưng điệu để làm nên cả một cá tính nghệ sĩ, phong cách riêng có như Ý Lan là xưa nay hiếm.

Cái điệu này không phải sự giả tạo, cố tình tỏ ra màu mè để làm lố. Nó xuất phát từ chính phông nền văn hóa,  con người, bản ngã sâu thẳm bên trong Ý Lan, hình thành từ thưở ấu thơ.

Ý Lan là con gái trưởng của Thái Thanh, nên từ nhỏ đã được mẹ bao bọc, nhất mực yêu thương. Cô kể:

"Nói là sống 23 năm tại Việt Nam nhưng hồi đó, tôi lại hay bị nhốt ở trong nhà. Mẹ tôi là danh ca Thái Thanh và bố tôi cũng là người làm nghệ thuật nên không có thời gian để đưa tôi đi những nơi khác ngoài Sài Gòn, chỉ nhốt tôi trong nhà. Tôi chỉ sống tại Sài Gòn.

Vì quá yêu con nên từ nhỏ mẹ Thái Thanh đã giữ chặt tôi bên cạnh, không cho chơi với các bạn bên ngoài giờ học nên dần cũng quen.

Cả đời tôi chỉ có bạn trên ghế nhà trường chứ không có bạn thân để đi chơi hay tâm tình".

Không những vậy, Thái Thanh còn rèn dũa Ý Lan rất nghiêm khắc, theo đúng lề lối truyền thống. Bà muốn hướng con gái mình tới chuẩn mực của người phụ nữ Hà thành xưa, với đủ công dung ngôn hạnh, cùng sự nhẹ nhàng, nết na, thùy mị. Bởi vậy, Ý Lan có phông nền văn hóa rất sâu sắc. Cô nói:

"Bố mẹ tôi là nghệ sĩ nhưng rất ngăn nắp trong cuộc sống. Mẹ từng hỏi tôi: "Giọng Hà Nội đâu?". Tôi đáp: "Con đi học, thành thử con phải nói giọng Nam để không bị khác biệt".

Rồi mẹ cũng thông cảm, nhưng mẹ vẫn nhắc: "Ở trường có thể nói giọng Nam nhưng về nhà phải giữ giọng Hà Nội để không mất gốc. Giọng của ông bà quý lắm, sau này con lớn lên con sẽ hiểu những gì mẹ nói".

Chính sự bao bọc và giáo dục kĩ lưỡng, nghiêm khắc của Thái Thanh đã tạo nên một Ý Lan mềm mại, yểu điệu thục nữ, nhẹ nhàng đúng chất phụ nữ Hà thành xưa.

Ai tiếp xúc hoặc chứng kiến Ý Lan trên sân khấu sẽ thấy, cô có một cốt cách rất đoan trang, quý phái, đến từ từng cử chỉ, lời nói. Chỉ cần nhìn Ý Lan mỉm cười cũng đủ thấy chất sang trọng toát ra từ cô. Ý Lan nói chuẩn giọng Hà Nội xưa và lúc nào cũng từ tốn, điềm đạm, ngữ điệu bay bổng, nói mà như nhả thơ.

Nhiều người không quen sẽ cho rằng, Ý Lan giả tạo, diễn nhiều. Nhưng đó lại là con người thật của cô, được mẹ Thái Thanh dạy dỗ mà thành. Bước xuống sân khấu, Ý Lan vẫn giữ cho mình nề nếp ấy trong cách giao tiếp, ứng xử với người thân, bạn bè.

Trong âm nhạc, Ý Lan càng phát huy cốt cách của mình, tạo nên một trường phái cầu kì, hoa mĩ riêng có. Cô tôn sùng cái đẹp, trân trọng tiếng Việt và chú trọng chi tiết.

Bởi vậy, Ý Lan hát rất nắn nót, uốn lượn, rõ từng nguyên âm đuôi và trang hoàng câu hát bằng nhiều luyến láy. Nếu ca khúc là một tấm vải thì Ý Lan chính là người nghệ nhân khéo tay luôn dành hết tâm huyết để thêu lên những đường chỉ, họa tiết tinh xảo.

Hơn nữa, tâm lí học nữ giới đã chỉ ra rằng, bất cứ một người nghệ sĩ nữ nào cũng mang theo phẩm chất giới tính của mình vào hoạt động nghệ thuật, nhưng không phải ai cũng biết cách thể hiện nó một cách tốt nhất.

Ý Lan là một trong số ít nghệ sĩ nữ biết phát huy phẩm chất giới tính của mình vào nghệ thuật, dùng nó để phát triển lối hát điệu đầy độc đáo, đúng như lời nhạc sĩ Minh Châu từng nói:

"Ca sĩ Ý Lan có giọng hát rất đặc biệt, với lối hát dân gian lả lơi, luyến láy ngọt ngào. Sự dịu dàng nữ tính ở cả vóc dáng lẫn giọng hát đã giúp chị tạo nên những hiệu ứng đặc sắc trên sân khấu".

Thái Thanh luôn bao bọc, bảo vệ Ý Lan trong vòng tay mình, hạn chế việc con gái tiếp xúc xã hội từ sớm. Điều này đã tạo nên một Ý Lan đầy ngây thơ, hồn nhiên, cả trong đời sống lẫn nghệ thuật.

Ý Lan đem sự hồn nhiên, ngây thơ của mình lên sân khấu, để được tung tăng ca hát, chơi đùa với âm nhạc trong sự hoan hỉ, căng tràn sức sống. Cô hát như một đứa trẻ tuổi 13 (chữ dùng của Phạm Duy). Chính cô từng nói:

"Người ta thường bảo nghệ sĩ mà sống thật thì khó quá đi. Nhưng tôi không bao giờ cảm thấy khó, vì thật là thật. Tại sao mình lại phải diễn với cuộc đời này? Mình chỉ cần sống thật với mình, với những gì đời sống này đến.

Trời cho tôi sự hồn nhiên rất tự nhiên. Tôi chưa bao giờ để mất đi điều đó. Vì tôi biết đó là điều đáng quý không thể đánh mất.

Nhưng khán giả chỉ thấy Ý Lan tung tăng nói cười trên sân khấu, nào đâu ai biết cũng có lúc tôi khóc những giọt nước mắt rất mặn".

Như vậy, có thể thấy, cái điệu của Ý Lan lại chính là cái thật nhất, xuất phát từ sự ngây thơ, hồn nhiên trong tâm hồn cô. Đồng thời, đó cũng là nét tích cực của cô, học được từ mẹ Thái Thanh.

Dù cuộc đời có trắc trở, nhiều đau khổ đến thế nào, Ý Lan vẫn hát trên sân khấu với sự điệu đà, hân hoan, vui vẻ, không bi lụy, sầu não, đem đến cho người nghe một nguồn hứng khởi đầy tươi mới.

 

Ý Lan và chồng hiện tại

Cũng chính vì sống thật nên Ý Lan rất bản năng, thường chạy theo tiếng gọi của con tim, cảm xúc. Năm 19 tuổi, Ý Lan vì say mê với tình yêu sét đánh của tuổi học trò mà xin mẹ cho lấy chồng. Đó là một tình yêu say đắm, mơ mộng của thưở ban đầu. Cô nói:

"Tôi yêu rất sớm, khi mới 17 tuổi. Ngày đó, tôi yêu say mê, mãnh liệt đến mức không cần biết cuộc tình sẽ đi đến đâu".

Nhưng mười năm trôi qua, những áp lực cuộc sống, con cái, mưu sinh đè nặng trên đôi vai đã khiến người phụ nữ bản năng ấy chọn cách li hôn để giải thoát cho mình.

Sau khi chia tay người chồng đầu tiên, Ý Lan đến với Tuấn Cường, con trai nữ minh tinh Kiều Chinh. Họ cùng nhau xây dựng hạnh phúc lứa đôi mặn nồng, nhưng 8 năm sau cũng đường ai nấy đi.

Tới năm 2003, Ý Lan tiếp tục đi bước nữa với doanh nhân Lê Anh Tuấn và chung sống hạnh phúc đến tận bây giờ.

Việc trải qua ba đời chồng khiến Ý Lan đôi khi bị chịu tiếng oan là thiếu đoan trang. Cần nhìn nhận một cách bao dung để thấy rằng, đó là bản năng của người phụ nữ luôn muốn kiếm tìm hạnh phúc và cơ hội để sống vì nghệ thuật.

Nếu Ý Lan không tự tìm cách giải thoát cho mình trong những cuộc hôn nhân bế tắc và tìm đến hạnh phúc mới, cô sẽ khó lòng tận tụy cống hiến cho âm nhạc được như bây giờ.

Tags:
Tiến sĩ Việt Kiều Mỹ bức xúc về thực phẩm bẩn ở Việt Nam: Về nước chỉ dám ăn rau và trứng luộc

Tiến sĩ Việt Kiều Mỹ bức xúc về thực phẩm bẩn ở Việt Nam: Về nước chỉ dám ăn rau và trứng luộc

TS Nguyễn Trí Hiếu, Việt kiều Mỹ hiện đang sống và công tác tại TP.HCM cho biết, có 1 thời gian dài khi về Việt Nam ông chỉ dám ăn rau và trứng luộc vì sợ ăn phải thực phẩm bẩn.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất