Đại tá công an chuyên đóng vai trùm tội phạm khét tiếng trên màn ảnh là ai?
Con trai của Nguyễn Hải - nghệ sĩ chuyên đóng vai phản diện - từng bị bạn bè không cho ngồi chung, trêu chọc là "con của tội phạm".
09:31 10/03/2023
Nguyễn Hải hiện gây chú ý với vai thượng tá Trần Như Tuất - cán bộ biến chất, mưu mô, tư lợi - trong Bão ngầm, phim truyền hình dài 75 tập, phát sóng từ cuối tháng 2 đến nay. Tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Đào Trung Hiếu, về hành trình điều tra đường dây ma túy xuyên quốc gia.
Trên các diễn đàn mạng xã hội, nhiều khán giả nhận xét nghệ sĩ Nguyễn Hải ghi dấu, diễn như không, khắc họa trọn vẹn nhân vật từ ánh mắt, điệu cười nhếch mép đến cử chỉ, lời nói.
Nghệ sĩ cho biết vận dụng kinh nghiệm nhiều năm gắn bó với lực lượng công an và quan sát đời sống để hóa thân. Ngoài ra, ông đọc kỹ tác phẩm Bão ngầm của Đào Trung Hiếu để hiểu thêm cốt truyện, tính cách nhân vật thượng tá Tuất. "Tôi thường đóng các vai phản diện, vì vậy, tôi cố gắng chọn lọc những khía cạnh khác biệt để mang đến hình ảnh nhân vật mới lạ và chạm tới cảm xúc của khán giả", Nguyễn Hải nói.
Nguyễn Hải trong phim "Bão ngầm"
Mang quân hàm đại tá ở đời thực, Nguyễn Hải gắn liền loạt vai tội phạm trên màn ảnh.
Nghệ sĩ tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất năm 1980 nhưng bỏ nghề, chuyển sang học Sân khấu Điện ảnh (tốt nghiệp năm 1986). Sau đó, ông công tác tại Đoàn kịch nói Công an Nhân dân (nay là Nhà hát Công an Nhân dân) rồi gắn bó tới khi về hưu.
Thuở mới ra trường, Nguyễn Hải được phân một số vai chính diện nhưng không gây được ấn tượng. Nghệ sĩ tìm cơ hội với vai phản diện trong Ông không phải là bố tôi và ghi dấu ấn với vai Bùi Nhiêu trong kịch Quả báo của đạo diễn Lê Hùng.
Màn hóa thân xuất sắc của Nguyễn Hải gây chú ý với khán giả, giới chuyên môn, trong đó có đạo diễn Việt Bảo. Đạo diễn ngỏ lời mời nghệ sĩ đóng phim truyền hình Chuyện làng Nhô.
Ông hóa thân Trịnh Khả - giáo sư đại học bị kỷ luật rồi về quê sống. Tại đây, hắn kích động dân làng, thực hiện nhiều kế hoạch phi pháp để mưu lợi rồi cuối cùng nhận án tử hình. Nguyễn Hải khắc họa thành công nhân vật từ vẻ ngoài tri thức với áo sơ mi, kính cận đến những cái quắc mắt và nụ cười nửa miệng. Phim gây chú ý khi phát sóng năm 1998, cái tên Trịnh Khả được nhắc đến ở nhiều nơi.
Nguyễn Hải trong tạo hình nhân vật Trịnh Khả - "Chuyện làng Nhô". Ảnh: VFC
Sau đó, Nguyễn Hải "đóng đinh" với các vai ác trên truyền hình. Hơn 30 năm làm nghề, nghệ sĩ tham gia 16 phim, đóng 15 nhân vật phản diện. Trong đó nổi bật với loạt vai giám đốc nhiều mưu kế, làm ăn phi pháp và độc ác trong Con nhện xanh, Bí mật của những cuộc đời, Chạy án, Ngôi biệt thự màu tro lạnh...
Nghệ sĩ cũng khiến người xem ớn lạnh khi đóng kẻ cầm đầu đường dây buôn bán tiền giả trong Cái chết của con thiên nga hay Cấn - ông chủ của động Thiên Thai - trong Quỳnh búp bê.
Nguyễn Hải cho biết phần lớn nhân vật ông đóng là những kẻ xấu có trí tuệ, chức vụ. Họ dùng trí thông minh, khả năng quan sát để lên kế hoạch phạm tội nên mức độ nguy hiểm cao hơn. Vì vậy, ngoài nghiên cứu kịch bản, Nguyễn Hải đến những tụ điểm giang hồ, trại giam để gặp, tìm hiểu những trường hợp tương tự ngoài đời sống, lấy tư liệu vào vai. Nghệ sĩ còn học thêm về ngành luật, tâm lý học tội phạm để phục vụ công việc.
Ông cũng đầu tư trang phục, tạo hình nhân vật. Khi đóng giám đốc trong Chạy án, bà xã đi may cho ông loạt sơ mi, vest hết hơn sáu triệu đồng, trong khi tiền cát-xê chỉ có chín triệu.
Nguyễn Hải trong "Quỳnh búp bê"
Không ít vai diễn ảnh hưởng đến đời sống của nghệ sĩ.
Nguyễn Hải cho biết khoảng năm 1996, khi cùng đoàn về Kinh Môn, Hải Dương biểu diễn vở Quả báo, nghệ sĩ bị một số người chặn đường, ném gạch vì ghét nhân vật. Khi diễn vở này tại TP HCM, ông cũng bị nhóm người đuổi đánh nhưng được công an bảo vệ.
Khi Chuyện làng Nhô lên sóng, mỗi lần ra đường, Nguyễn Hải thường bị chỉ trỏ, lườm nguýt. Gia đình nghệ sĩ ở quê nhà Nam Định cũng bị hàng xóm gièm pha, lên án khiến bố ông tức giận cấm cửa. "Bố tôi nhắn mọi người nếu có lên Hà Nội thì bảo nó đừng về quê nữa. Bao nhiêu vai tốt sao không đóng, lại đóng cái vai thằng mất dạy", nghệ sĩ nói.
Con trai ông khi đó học lớp bốn, bị bạn bè không cho ngồi cùng bàn, chơi chung vì có bố là "tội phạm". Nghệ sĩ sau đó phải xin cho con vào học lớp khác. Đến bây giờ, thi thoảng vẫn có người gọi ông là "thằng Trịnh Khả".
Sau phim Cái chết của thiên nga (1999), có lần nghệ sĩ và vợ đi chợ, một phụ nữ nhìn thấy ông liền ôm chặt túi xách, tránh xa để đề phòng. Thấy vậy, Nguyễn Hải liền nói: "Em không xấu như trên phim đâu chị ơi". Tuy nhiên, người đó vẫn lo lắng vì "Nhìn mặt ông kinh lắm!".
Không chỉ khán giả, hai con của nghệ sĩ cũng sợ bố do ảnh hưởng từ nhân vật trong phim. Mỗi lần thấy Nguyễn Hải về nhà, cả hai liền nấp sau ghế. Khi bố kêu đi tắm, cho ăn thì ngồi cạnh, bảo gì làm nấy, không dám lên tiếng. Thấy vậy, nghệ sĩ dành thời gian trò chuyện, tâm sự để các con hiểu hơn. Ông nói: "Nhiều lúc cũng thấy cay đắng lắm, thậm chí tôi từng muốn bỏ nghề. Tuy nhiên, bây giờ nhìn lại, tôi cảm thấy bình thường. Chắc do tôi diễn chạm tới cảm xúc, khiến khán giả tưởng đó là thật nên mọi người mới có phản ứng như vậy".
Nguyễn Hải trong "Cái chết của thiên nga"
Nguyễn Hải thừa nhận có gương mặt góc cạnh, sinh ra để đóng vai phản diện. Có lần, ông được giao vai chính diện, phim đóng máy, đã trả cát-xê. Tuy nhiên, khi duyệt lần cuối, êkíp quyết định cắt vai vì trông mặt diễn viên quá ác. Không ít lần, nghệ sĩ hỏi đạo diễn sao không giao vai hiền lành, tử tế, thì nhận được câu trả lời "sợ làm hỏng mất cả bộ phim!". Nguyễn Hải cười nói: "Ngoài đời, tôi tích cực làm việc thiện, cũng có nhiều điểm tốt, đáng yêu lắm đấy".
Ở tuổi 64, nghệ sĩ tận hưởng cuộc sống bên vợ, các con và cháu. Nguyễn Hải nghỉ hưu cuối năm 2019 nhưng vẫn đóng phim, tham gia các chương trình nghệ thuật. Ngoài ra, ông kinh doanh, trợ giúp pháp lý cho những người có hoàn cảnh khó khăn...
Gần 4 năm ly hôn, Việt Anh và vợ cũ thứ 2 không còn cùng xuất hiện trong sinh nhật con trai
Những năm trước, cặp đôi vẫn tái hợp đều đặn mỗi dịp sinh nhật con trai duy nhất.