Cuộc sống trên đảo có người ở xa nhất thế giới
Sống trên Tristan da Cunha, người dân đi làm về và chăm sóc vật nuôi, thời gian rảnh rỗi họ dành để leo núi và nướng thịt.
15:02 05/01/2025
Tristan da Cunha là hòn đảo xa xôi nhất thế giới có người ở, nơi gần đất liền nhất trên đảo cách bờ biển phía tây nam của Nam Phi khoảng 2.800 km. Đảo rộng hơn 200 km2, không có các chuyến bay thương mại còn tàu chở khách chỉ đến 9 lần một năm.
"Không ai có thể trốn thoát khỏi nơi này", Kelly Green, cư dân trên đảo, giải thích lý do đảo hầu như không xảy ra tình trạng phạm tội vì nếu phạm pháp, kẻ xấu cũng không biết chạy đi đâu và sớm bị bắt. Trên đảo có một đồn với một cảnh sát. Với người dân địa phương, thế là đủ.
Bất chấp nằm ở nơi tận cùng thế giới và cô lập với thế giới bên ngoài gần như quanh năm, Kelly Green nói mọi người người đều rất yêu cuộc sống trên đảo nhờ sự an toàn.
Kelly chuyển đến đảo sinh sống từ năm 2013, là nhân viên cho một văn phòng du lịch trên đảo. Cô có thể thoải mái ngồi làm việc mà không khóa cửa nhà vì không sợ bị cướp hay điều tương tự. Đảo từng có một số vụ phạm tội nhỏ nhưng chưa từng có vụ giết người nào. "Tôi nghĩ là không có ai bị nhốt trong phòng giam của đồn cảnh sát kể từ khi tôi đến đây", cô nói.
Mọi người gọi cảnh sát duy nhất trên đảo là "Rockhopper copper", lấy cảm hứng từ loài chim cánh cụt rockhopper sống ở phương bắc, thường xuyên lui tới đảo. Nếu tội ác nghiêm trọng xảy ra, nghi phạm sẽ phải được đưa đến St Helena, đảo lân cận gần nhất nhưng cũng cách Tristan Da Cunha 2.100 km về phía bắc.
Kelly cho biết rời đảo là điều "thực sự không dễ dàng". Mỗi năm, các con tàu từ Cape Town đến đảo chỉ 9 lần, mỗi lần chở 12 khách. Hành trình từ đảo đến Cape Town mất 6 ngày. Trên đảo cũng không có sân bay nhưng người dân đang nỗ lực để hòn đảo dễ tiếp cận hơn bằng cách tăng lượng tàu ghé thăm mỗi năm.
Tristan da Cunha vốn là một ngọn núi lửa đang hoạt động, cao hơn 2.000 m và là lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh. Lần phun trào gần nhất là vào năm 1961, toàn bộ dân trên đảo phải sơ tán đến Anh. Nhiều người dân đã ở lại trên đất liền vài năm nhưng sau đó phần lớn đều quay lại. Một số dân trên đảo sinh sau năm 1961 chưa từng rời nơi này còn Kelly rời đảo hai năm một lần để thăm gia đình, bạn bè.
Tấm biển chào mừng du khách đến với Tristan da Cunha, đảo có người ở xa xôi nhất thế giới. Ảnh: Amusing Planet
Cũng vì vị trí xa xôi, hơn 230 dân trên đảo phải chờ rất lâu mới nhận được hàng hóa. Phần lớn mọi người đều sống tự cung tự cấp như trồng trọt, đánh bắt cá, nuôi gà lấy trứng. Dù vậy, họ vẫn phải nhập từ bên ngoài vào các món như trà, cà phê, bột mì, đồ ngọt. Nếu ôtô cần phụ tùng thay thế, người dân sẽ phải đợi vài tháng mới nhận được hàng. "Ở đây không có Amazon Prime", Kelly nói và điều này đôi khi khiến cô bực bội. Amazon Prime là chương trình được nhiều người đăng ký khi mua hàng trên Amazon, gồm giao hàng nhanh, nhận được nhiều ưu đãi độc quyền như các chương trình giảm giá, miễn phí xem phim.
Một số mặt hàng trên đảo được chính phủ Anh trợ cấp. Tuy nhiên, nhiều món người dân phải mua và giá thường đắt hơn 75% nếu mua từ Nam Phi. Nếu hàng hóa mua từ Anh, mức giá cao hơn 95%. Một chai dầu ôliu nhỏ giá gần 13 USD, theo Kelly. Trong khi đó, mức thu nhập trên đảo không cao. Công việc được trả lương cao nhất trên đảo chỉ bằng một nửa mức lương tối thiểu tại Anh.
Thời tiết khắc nghiệt khiến cảng biển chỉ hoạt động khoảng 70 ngày trong năm cũng là điểm trừ trên đảo. Mọi người đều sống trong các ngôi nhà gỗ nhỏ vì chúng có thể chịu được những cơn gió mạnh như bão vào mùa đông.
Ngoài những điểm trừ được nhiều người đánh giá "rất nhỏ" này, cuộc sống trên đảo bình thường như những nơi khác. Người dân vẫn xem các chương trình truyền hình trực tuyến, vào mạng, xem phim, nhâm nhi đồ uống trong quán bar như những nơi khác. Tuy lương thấp, đảo vẫn có nhiều việc làm. Trên đảo cũng có đầy đủ các công việc như giáo viên, y tá, nhân viên ngân hàng, thợ mộc, thợ điện, thợ sửa ống nước. Đảo có một bệnh viện, nhỏ nhưng đẹp và thoải mái, hiện đại. Các bác sĩ chỉ thực hiện những ca tiểu phẫu, viêm ruột thừa và một số ca thoát vị. Với những ca lớn, bệnh nhân được chuyển đến Cape Town.
Ngoài công việc chính, hầu như ai cũng có nghề tay trái như làm nông, đến nhà máy cá làm việc hoặc làm ngư dân. Chồng Kelly là thợ mộc nhưng vẫn đi đánh bắt cá. Kelly là nhân viên du lịch nhưng vào buổi tối, cô sẽ tới nhà máy để làm thêm công việc chế biến cá.
Cuộc sống trên đảo được nhiều người đánh giá "rảnh rỗi". Mọi người thường dậy sớm, đi làm rồi về nhà chăm sóc vật nuôi, ruộng khoai tây và rau. Phần lớn thời gian rảnh rỗi của người dân đều ở ngoài trời như nướng thịt, bơi lội, leo núi. Người dân trên đảo và du khách đến thăm bằng tàu du lịch cũng thích dành thời gian trên đảo Nightingale cách đó 40 km để tham quan, đi bộ đường dài, ngắm động vật hoang dã.
Đảo có nhiều động vật hoang dã sinh sống nên đôi khi Kelly không thể di chuyển vì "tắc đường". Cô phải trèo qua một tảng đá để đi vì đường chật kín chim cánh cụt, hải cẩu. Núi lửa là điểm thu hút hàng đầu trên đảo. Du khách đến đây thường thích leo lên đây để nhìn toàn cảnh khu định cư. Đảo có một cửa hàng và một quán rượu, luôn đông khách vào cuối tuần và rất được khách du lịch ưa chuộng, theo Kelly.
Mọi người trên đảo đều hòa đồng vì ai cũng biết nhau. Thỉnh thoảng, trong cộng đồng xảy ra các vụ tranh chấp nhưng mọi người làm lành rất nhanh.
"Các con tôi luôn được an toàn và chúng có thể thoải mái chạy ra ngoài chơi. Điều đó thật tuyệt", Kelly nói về điều tuyệt vời nhất cô thấy trên đảo.
46 - 55 tuổi là "thời điểm vàng" để quyết định tuổi thọ: Có 2 việc cần CHĂM chỉ, 3 việc phải LƯỜI bớt để sống lâu hơn
Các căn bệnh mãn tính như tiểu đường, ung thư, cao huyết áp, viêm gan đều có tỉ lệ tử vong cao vì thế người đang ở độ tuổi 46-55 cần phải chủ động bảo vệ sức khỏe của mình.