Cuộc sống khắc nghiệt tại nơi suốt 2 năm không có điện nằm ngay cạnh thành phố hoa lệ bậc nhất châu Âu
Ở khu ổ chuột Cañada Real gần thủ đô Madrid, Tây Ban Nha, người dân buộc phải thích nghi để tồn tại trong điều kiện không có điện trong suốt 2 năm ròng rã với nỗi lo về mùa đông sắp tới.
13:55 30/10/2022
Trong suốt 2 năm chật vật sinh tồn trong cảnh không có điện, nhiều vết thương đã in hằn lên những con người sống tại khu vực 6 của khu ổ chuột lớn nhất châu Âu Cañada Real, nơi cách thủ đô Madrid hoa lệ bậc nhất chỉ vỏn vẹn nửa giờ lái xe. Đó là vết bỏng độ hai ở chân của một cậu bé khi ở quá gần lò sưởi gas, bàn tay khô đến nứt nẻ của người phụ nữ giặt quần áo cho cả gia đình bằng đá và bánh xà phòng.
Tại nơi đây, nhiều tấm pin mặt trời chỉ xuất hiện trên mái nhà của những cư dân có phần may mắn. Còn lại, những gia đình kém may mắn hơn chỉ có thể dùng những ngọn nến, đống lửa để soi sáng một góc ngôi nhà lạnh lẽo.
Trước cái lạnh của cơn bão Filomena, một số người từng phải quấn khăn cho những đứa trẻ với khuôn mặt tái nhợt hoặc cố gắng dỗ dành đứa con của mình đi học dù biết rằng mùi cơ thể và bộ quần áo chẳng mấy sạch sẽ sẽ làm chúng bị bạn bè xa lánh.
Trong tâm thức của nhiều người, ký ức về những đêm thức trắng với tiếng còi xe cứu thương lao về phía ngôi nhà của những người bị ngộ độc bởi khí butan từ máy sưởi vẫn in sâu trong họ.
Không gì ngoài khói và bóng tối mù mịt
Tuy nhiên, ký ức mạnh mẽ nhất của Houda Akrikez, một phụ nữ sinh sống cùng gia đình tại khu vực này, là câu chuyện xảy ra vào tháng 10/2020. Theo đó, vào ngày 2/10/2020, nhà cung cấp năng lượng Naturgy thông báo rằng việc "sử dụng quá nhiều và bất bình thường" lượng điện đã làm quá tải hệ thống và kích hoạt việc cắt điện khẩn cấp.
Sau khi bị cắt điện 16 ngày, cô Akrikez đã quyết định tập hợp người dân để tạo một cuộc tuần hành phản đối tại các văn phòng địa phương của Chính quyền khu vực Madrid.
Lúc đó, cô để con gái của mình ngủ ở nhà và nhờ mẹ trông chừng nhưng mẹ của Akrikez nhất nhất đi cùng cô vì trời bên ngoài còn tối và để cháu mình ngủ trong căn nhà với ánh nến thắp ngoài phòng khách.
Hồi tưởng lại khoảnh khắc đó, Akrikez cho biết: "Tôi đã kêu gọi được khoảng 50 người cùng tham gia cuộc tuần hành và tôi rất vui. Những ngay sau đó, tôi nghe thấy tiếng chị dâu gọi: 'Chạy, chạy đi!'. Khi quay trở lại nhà mình, tất cả những gì trước mắt là khung cảnh ngôi nhà của mình đang bốc cháy khi những đứa trẻ vẫn đang ngủ say bên trong. Chỉ khi nghe được tiếng la hét thất thanh ở bên ngoài, bọn trẻ mới tỉnh dậy. Tôi vội mở cửa nhưng không nhìn được gì ngoài khói và bóng tối mù mịt".
Khi giải cứu được những đứa con đang sợ hãi của mình, Akrikez đã tự hỏi bản thân rằng liệu sự tận tâm nhằm mang nguồn điện trở về có đang vượt quá tầm tay hay không. Những người hàng xóm cũng cho rằng cô nên dừng lại và chăm sóc những đứa con của mình.
Tuy nhiên, Akrikez đã kiên quyết từ chối và tự nhủ rằng: "Không, chúng tôi sẽ không dừng lại. Chúng tôi sẽ tiếp tục vì con gái tôi suýt mất mạng chỉ vì một ngọn nến do bị cắt điện".
Kể từ đó, Akrikez đã trở thành người thành lập và lãnh đạo Hiệp hội Tabadol - một tổ chức không ngừng đấu tranh và vận động vì quyền lợi của phụ nữ Maroc sống ở Cañada Real.
Bình thường hóa một thứ "không bình thường"
Suốt hai năm sống trong bóng tối, người dân nơi đây đã phải chống chọi với cái lạnh buốt giá vào tháng 1/2021 khi cơn bão Filomena mang đến trận tuyết lớn nhất trong 50 năm và làm đóng băng mọi đường ống dẫn nước. Mùa hè cũng chẳng khá hơn khi đất nước Tây Ban Nha ghi nhận nhiệt độ chạm mức kỷ lục kể từ năm 1961.
Thất vọng vì sự bị động của chính quyền khu vực, những người dân tại Cañada Real bao gồm cả Akrikez buộc phải thích nghi để tồn tại.
"Chúng tôi đã bình thường hóa một thứ không bình thường, chúng tôi đã bình thường hóa cuộc sống không có điện trong khi điều kiện cuộc sống vốn đã thật tồi tệ. Khi tất cả bắt đầu, chúng tôi nghĩ rằng tình trạng mất điện sẽ không tồn tại lâu, rằng nó sẽ được giải quyết trong một vài tháng tới" - Akrikez nói.
Trong những hộ gia đình sinh sống tại đây, có những người may mắn hơn có thể mua được máy phát điện chạy bằng xăng và sản xuất ra 4 giờ điện với giá khoảng 5 euro (khoảng 116.000 đồng) hoặc đầu tư vào các tấm pin mặt trời. Với những gia đình khó khăn hơn, họ chỉ có thể đốt gỗ và bìa cứng.
Trẻ em phải chật vật để thích nghi với điều kiện sống tồi tệ
Khoảng 1,800 trẻ em sinh sống trong khu vực này cũng buộc phải thích nghi với việc làm bài tập về nhà bên cạnh cây đèn pin, ánh nến hoặc đèn từ xe hơi của gia đình. Khi cả thế giới bước vào thời kỳ đại dịch, những em nhỏ phải thích nghi với việc học trực tuyến trên đồi cao, nơi tín hiệu internet chỉ le lói như những ánh nến trong nhà của họ.
Trong khoảng thời gian này, nhiều em nhỏ khác đã chấp nhận dừng lại việc đến trường của mình vì chẳng thể chịu đựng thêm việc bị bắt nạt tại trường chỉ vì vấn đề vệ sinh cá nhân.
"Đây là địa ngục... Và đây là Tây Ban Nha"
Cách ngôi nhà của Akrikez khoảng năm phút đi bộ, là nơi ở của một số người Digan. Tại đây, người phụ nữ tên Yolanda và đại gia đình của mình sống bằng nghề thu gom và bán lại bìa các tông cũ. Tuy nhiên, số tiền ít ỏi mà họ kiếm được cũng chẳng thể đủ để chiếc máy phát điện duy trì năng lượng đáp ứng nhu cầu của khoảng 30 người đang sinh sống phụ thuộc vào nó.
Ngay cả vào một ngày có thời tiết mát mẻ vào cuối tháng 9, ngôi nhà của Yolanda vẫn lạnh lẽo. Hai cậu con trai nhỏ ngồi sưởi ấm bên lò sưởi nằm trong góc phòng trong khi cháu trai hai tháng tuổi của Yolanda ngủ gật trên chiếc giường gần đó.
Chiếc lò sưởi là thứ duy nhất giúp gia đình Yolanda giữ ấm cơ thể
Ở phòng bên cạnh, bố chồng 62 tuổi của cô nằm ngủ gục trên tấm nệm trên sàn nhà. Sát bên cạnh ông là chiếc máy thở và mặt nạ dưỡng khí không được cắm điện.
Trước tình cảnh éo le của gia đình mình, Yolanda nói: "Tôi không biết phải nói thế nào. Thằng bé chưa được tiêm phòng vì nó bị cảm lạnh. Những đứa trẻ bị ốm vì quá nóng hoặc quá lạnh. Chúng tôi không có ánh sáng và cũng chẳng có nước nóng. Tất cả những gì chúng tôi có chỉ là một cái lò sưởi. Chính quyền cần làm gì đó, chúng tôi cần ánh sáng".
Mẹ chồng của Yolanda, María, đưa đôi tay thô kệch của mình ra và chỉ vào miếng đá bà dùng để giặt giũ quần áo của gia đình và vào chiếc máy phát điện vô dụng rồi nói:
"Đây là địa ngục... Và đây là Tây Ban Nha".
Kiểu tiết kiệm của người Mỹ rất khác người Việt - đáng để bạn học hỏi
Hôm bữa có một đứa bạn mình vừa du học Mỹ về kể chuyện cách người Mỹ tiết kiệm tiền, nghe mà thấy khác người Việt mình quá chừng.