'Con cái không có nghĩa vụ sống cùng cha mẹ già'

Hạnh phúc của con cái là bản thân họ và gia đình nhỏ của mình, chứ không phải gánh nặng phải sống cùng để phụng dưỡng cha mẹ già.

22:54 31/12/2022

Tôi là một người đã ở riêng và cũng từng có mong muốn được gần gũi bố mẹ chồng. Ban đầu, tôi còn háo hức về nhà nội, còn khoe rằng mọi người ở nhà chồng sống chan hòa, rất vui vẻ, nhưng dần dần tôi ngày càng thủ thế hơn. Tôi mới làm dâu được vài năm và không phải lúc nào cũng cư xử hoàn hảo. Tôi luôn tự day dứt với bản thân rằng phải làm gì để được như con dâu "nhà người ta". Thế nên, lúc nào tôi cũng trong tâm trạng chán nản, cảm thấy mình "không bao giờ là đủ" với bố mẹ chồng.

Tôi ra ở riêng ngay từ đầu vì nhà nội cũng ở xa. Nhiều khi cuối tuần, tôi chỉ quanh quẩn ở nhà với chồng con cũng buồn, nghĩ tới lúc gia đình về nhà nội, nhà ngoại, có người ra, người vào rất phấn khởi, tôi lại ước được ở gần ông bà. Nhưng cứ về vài hôm là tôi lại thấy có nhiều khác biệt, ở lâu chắc chắn thành chuyện, nên tôi lại lựa chọn giải pháp an toàn là ở riêng để không làm hỏng mối quan hệ.

Tôi không thích suy nghĩ rằng cứ phải nhờ vả được bố mẹ rồi sau này mới phụng dưỡng lúc về già, theo kiểu có qua có lại. Tôi muốn ở riêng, không thích nhờ vả ông bà lúc còn khỏe, nhưng sau này vẫn muốn chăm sóc cha mẹ lúc già yếu. Điều đó có gì là sai? Ít ra tôi không nhập nhằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ của con cái

Thực ra, có rất nhiều phụ nữ làm dâu, sống chung với bố mẹ chồng cũng rất tội. Bản thân tôi về nhà chồng lúc nào cũng trong tâm trạng chờ bị "bắt lỗi", "không bao giờ là đủ". Có những chuyện, tôi không nghĩ bao giờ nó thành "phốt" thì đến một ngày không vui lại bị lôi ra để chê trách và không có cách nào để giải thích lại, chỉ có thể im lặng chịu đựng. Trong lòng tôi cảm thấy không vui nhưng vẫn tự lập ra một danh sách trong đầu những việc cần làm để bố mẹ chồng hài lòng.

Mỗi gia đình một cách sắp xếp riêng. Nếu con cái đã không quan tâm đến bố mẹ thì ở gần hay ở xa cũng vẫn vậy. Con cái có hiếu thì dù không ở chung, mà ở gần, chạy qua chạy lại thăm nom cũng vẫn ổn, lại đỡ được những phức tạp giữa các thế hệ. Tôi cực lực phản đối việc sinh con mà trong đầu đã quàng vào cổ con việc chăm sóc, mua vui, hương khói cho mình sau này. Nhưng ngược lại, nếu con tôi nghĩ rằng "bố mẹ muốn con báo đáp khi về già là ích kỷ" thì đó là một thất bại trong việc dạy con về lòng biết ơn. Bố mẹ cũng như mọi đối tượng khác, đều muốn được quan tâm, chăm sóc và mong muốn đó là chính đáng. Chỉ là chúng ta cần tìm cách dung hòa lợi ích của con cái và cha mẹ mà thôi.

Mong ước của tôi là 80 tuổi vẫn đi làm và sống độc lập, đông con và chúng có thể sống ở bất cứ đâu, tôi sẽ đến thăm các cháu. Tôi đã xem một số phim tài liệu về người già ở phương Tây, nơi vốn rất ủng hộ cha mẹ và con cái sống riêng, độc lập với nhau. Thục tế, vẫn có những người già phương Tây ổn định về mặt vật chất nhưng vẫn ngóng về con cháu như một lẽ tự nhiên. Bản thân tôi thấy điều đó rất hợp lý khi các mối quan hệ của người già bị thu hẹp và cảm giác rõ hơn về sự cô độc, cơ thể xuống cấp, bệnh tật và cái chết...

Tôi ước rằng mình sẽ nuôi con thành đạt, giỏi giang. Dù trai hay gái, chúng cũng sẽ được sống cuộc đời của riêng mình, có thể ở bất cứ nơi nào có công việc phù hợp, chọn lựa lối sống, bạn đời mà chúng muốn, không phụ thuộc vào ý chí của bố mẹ. Trong trường hợp tôi không thể ép con sống gần mình, từ 50 đến 80 tuổi, khi còn sức khỏe, tôi sẽ tự thân lo liệu. Khi nào không tự lo được nữa thì thuê người chăm sóc riêng hoặc vào viện dưỡng lão. Khi nào qua đời, con tôi chỉ cần đến làm thủ tục an táng, thế là xong.

Tôi muốn con sẽ có thời gian, không gian riêng để vợ chồng, con cái chăm sóc nhau (dù vẫn còn sức và có tiền), và kỷ niệm những ngày lễ ý nghĩa với nhau... Dẫu vẫn biết là tình cảm và sự quan tâm không nên khiên cưỡng, nhưng có lẽ đến một lúc nào đó, các bố mẹ nên tự biết lùi lại và tự chăm sóc bản thân mình, thay vì dựa dẫm vào con cái. Với tôi, hạnh phúc của con là bản thân chúng và gia đình nhỏ của chúng chứ không phải gánh nặng ở cạnh để phụng dưỡng cha mẹ già.

Huong NTT

Tags:
Đi du lịch nước ngoài: Người Việt vẫn nặng tâm lý 'quà cáp'

Đi du lịch nước ngoài: Người Việt vẫn nặng tâm lý 'quà cáp'

Đi ra ngoài để học cái hay, cái đẹp nhưng nhiều người mất hết tâm sức cho việc mua sắm, quà cáp. Nhất là chị em phụ nữ Việt, ở đâu bán hàng là... xúm xít, rối rít, mua như chưa bao giờ được mua, mua như thể không mua là lỗ vốn. Có người lo xách hàng hóa có khi phải bỏ thêm tiền mua hành lý, rồi quên giấy tờ...

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất