Cô gái ở Canada là con ngoài giá thú, 46 năm đi tìm cha, ngày gặp lại hỏi câu quặn lòng
Chị Tuyết Mai là kết quả của mối tình oan trái giữa người lính từng tham gia giải phóng miền Nam với cô gái gốc Sài thành.
10:21 03/01/2023
Mẹ từ mặt nếu con đi tìm cha
46 năm qua, chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, hiện đang sinh sống và làm việc ở Canada, vẫn không ngừng mong mỏi tin tức từ cha. Tuổi thơ chị Mai lớn lên trong sự thiếu thốn tình thương của một mái ấm gia đình không vẹn tròn.
Chị nhận ra sự vắng mặt của cha ngay từ khi biết nhận thức. Thấy bạn bè khác được cha đưa đi học, được cha chở đi chơi, chị Mai tủi thân vô cùng. Lòng chị tự đặt ra hàng trăm nghìn câu hỏi: ” Cha mình là ai? Cha có biết đến sự tồn tại của mình trên đời không? Sao cha lại không ở với mẹ con mình?“.
Chị đem sự thắc mắc ấy hỏi mẹ, nhưng bao năm nay vẫn chỉ nhận được câu trả lời cụt ngủn : “Ba mày c.hết rồi”. Bà Thao – mẹ chị là một người phụ nữ hiền lành nhưng cũng rất quyết đoán. Bà đã một mình vất vả nuôi chị mà không cần đến sự giúp đỡ của bất kỳ ai. Trong giấy khai sinh của chị Mai, bà để phần tên chồng là Bùi Văn Lũy, 28 tuổi, đã mất. Ngoài ra không có bất kỳ thông tin gì thêm.
Bẵng đi một thời gian, cho đến năm chị Mai lên 10 tuổi, vô tình hôm đó chị ở nhà nhận được một bức thư lạ. Chị ngạc nhiên vô cùng khi đọc nội dung bên trong, người gửi xưng “anh – em”, hỏi rất nhiều điều về cuộc sống của mẹ con chị. Lời lẽ thấm đẫm tình cảm, cuối thư ký tên Bùi Văn Lũy, nơi gửi từ Chương Mỹ, Hà Tây.
Là thư khiến tâm trạng đứa bé 10 tuổi xốn xang vô cùng. Hôm đó, bà Thao biết con đọc lén thư nên đã đ.ánh c.on một trận rất đau. Chị Mai biết mẹ có bí mật gì đó về ba nhưng không muốn nói. Dù gặng hỏi hàng trăm lần, xin mẹ cho đi tìm ba, biết nơi ở về ba, nhưng bà Thao vẫn không hé một lời. Bà bảo với chị nếu đi tìm ông ấy, bà sẽ từ mặt.
“Tôi có giải thích từ từ cho mẹ hiểu, tác động tư tưởng tới bà. Nhưng tính mẹ rất cổ hủ, vì mẹ em từ nhỏ sống với bà cố là người đi tu, nên rất kỹ tính. Nói ra điều gì là không thay đổi, như đinh đóng cột”, chị Mai bộc bạch.
Mẹ càng cấm đoán, chị Mai lại càng kiên trì. Sau khi qua Canada ở cùng chồng con, chị vẫn không nguôi ý định tìm lại cội nguồn. Chị hỏi thăm khắp nơi, một vài cô bác trong họ hàng có lén kể với chị Mai vài điều về quá khứ năm xưa. Họ không rõ câu chuyện cụ thể, chỉ biết ông Lũy và bà Thao quen nhau vào thời điểm ông Lũy đi bộ đội, đóng quân miền Nam.
Khi có bầu được 2 tháng, bà Thao vô tình biết được chuyện động trời rằng ông Lũy đã có vợ con ngoài Bắc. Tức giận, căm hận, bà đoạn tuyệt với người tình, đuổi ông đi nơi khác. Kể từ ngày đó cả hai bặt vô âm tín.
“Sao cha không đi tìm con?”
Đã hàng chục năm nay, chị Mai đã nhiều lần về nước tìm cha, đồng thời đăng tải tin lên các kênh xã hội, nhờ những người bạn ngoài Bắc hỏi han về người cha thất lạc. Trong thâm tâm chị tự nhủ luôn sẵn sàng tha thứ dẫu cha có sai lầm trong quá khứ.
“Tôi muốn bù đắp, báo hiếu cho ông. Nếu ông còn sống mà cuộc sống khó khăn quá, tôi cũng sẵn lòng san sẻ”, chị Mai nói.
Tháng 12/2021, chị Mai bất ngờ nhận được cuộc gọi báo tin từ một người phụ nữ tên Đào Thị Hưởng, nói rằng ông Lũy vẫn còn sống và đang ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Chị Hưởng ở cách nhà ông Lũy khoảng 20km. Rất nhanh chóng, chủ kênh Youtube đã kết nối hai cha con chị Mai qua cuộc gọi cách xa ngàn cây số.
“Con chào ba, ba có khỏe không?”, chị Mai cất tiếng gọi cha lần đầu tiên trong cuộc đời. Phía đầu dây bên kia, ông Bùi Văn Lũy và vợ ngồi trước màn hình, không kìm được xúc động. Ông Lũy năm nay đã 77 tuổi, sức khỏe đã giảm sút đi nhiều. Vụ tai nạn cách đây vài năm khiến ông phải phẫu thuật cắt một nửa bên não, thần trí đôi khi không còn được minh mẫn.
Giữa tâm trạng ngổn ngang, chị Mai dằn lòng hỏi tiếp, câu hỏi mà chị luôn canh cánh trong lòng nhiều năm nay: “Sao bao lâu nay cha không đi tìm con?”. Ông Lũy trào nước mắt. Mối tình oan trái năm xưa bỗng ùa về trong ký ức. Ông Lũy kể, ông và bà Thao quen biết nhau ở Nhà Bè khi ông nhập ngũ, tham gia giải phóng miền Nam. Trót lỡ thương người phụ nữ hiền lành, chịu thương chịu khó, ông không dám nói cho người tình biết rằng ông đã có vợ con ở ngoài Bắc.
Thời điểm mang thai 2 tháng, bà Thao đọc được một bức thư mà vợ ông Lũy gửi, suy sụp khi biết sự thật. Không thể giải thích thêm được gì, khi kết thúc thời gian đóng quân, ông Lũy quay trở về Bắc.
“Ba rất nhớ con. Ba có đi tìm con, nhưng mẹ con coi như ba c.hết rồi nên ba không đi tìm nữa. Ngày đó ba có qua nhà, nói với bà nội con hãy chăm sóc cho 2 mẹ con. Nhiều năm qua ba có gửi thư vào Sài Gòn cho má con nhưng không thấy hồi âm”, ông Lũy nói.
Bà Hưởng – vợ của ông Lũy cũng rất vui mừng chào đón sự xuất hiện của chị Mai. Biết mối tình vụng trộm của chồng năm xưa, bà không hề oán trách mà thậm chí còn thương chị Mai nhiều hơn. Trước đó, con cái của ông Lũy cũng mong tìm giúp cha thông tin về người anh chị em thất lạc từ lâu nhưng chưa có điều kiện.
“Ngày xưa tôi có đọc được 1 lá thư bà Thao gửi ra ngoài này, viết là: Anh hãy coi em như đống tro tàn, em coi anh như c.hết rồi. Tôi biết nhưng không bao giờ ghen hết.
Giờ tìm được con là mừng rồi, phấn khởi lắm. Có lẽ vợ chồng ăn ở có hồng phúc nên về già con gái vẫn quay về chung vui, đoàn tụ”, bà Hưởng tâm sự.
Chị Mai cho biết, trong thời gian tới sẽ sắp xếp về Việt Nam gặp cha. Chị vẫn chưa cho mẹ ruột biết sự việc. Trong lòng người con gái hy vọng một ngày mẹ sẽ bỏ qua chuyện cũ, vướng mắc từ mối tình năm xưa được cởi bỏ. Cả gia đình chị cùng sum vầy, đoàn viên vào một ngày không xa.
Chưa từng đi du học, cô gái Việt vẫn tự tin đến Mỹ làm giám đốc: “Cứ thử đi!”
“Nhiều người hỏi sao học ở Việt Nam vẫn nhận được công việc tại nước ngoài. Mình nghĩ không nên tự giới hạn bản thân, ở đâu cũng có thể học vì thế giới phẳng rồi”, Thanh Thảo nói.