Cặp đôi Y Hà Nội cùng nhận bằng tiến sĩ Harvard
Bùi Phương Linh, 33 tuổi, và Phạm Thanh Tùng, 32 tuổi, tốt nghiệp tiến sĩ cùng ngày ở trường Y tế công cộng T.H.Chan, thuộc Đại học Harvard.
09:31 27/06/2024
Linh nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành Dịch tễ học Dinh dưỡng, cùng hai bằng thạc sĩ Thống kê y sinh và Dịch tễ học, hôm 22/5. Trước đó một tháng, cô bảo vệ thành công luận án về thang điểm đo lường chế độ dinh dưỡng, vừa đảm bảo sức khỏe con người, vừa ít gây hại cho môi trường.
Ngày tốt nghiệp, Tùng cũng nhận cùng lúc bằng tiến sĩ chuyên ngành Dịch tễ học và phòng chống ung thư, thạc sĩ Thống kê Y sinh. Luận án của anh viết về ảnh hưởng của các yếu tố di truyền và lối sống đến nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Linh, Tùng bên con trong ngày tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Harvard. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Năm 2009, Linh và Tùng gặp nhau lần đầu, khi theo học Y khoa ở Đại học Y Hà Nội. Học chung nhiều lớp lý thuyết, cùng tham gia một số dự án nghiên cứu khoa học, cặp đôi ngày càng gắn bó.
Đầu năm thứ tư đại học, họ đi trao đổi ở Học viện Karolinska, Thụy Điển. Đây là một trong những trường y khoa lớn nhất châu Âu, cũng là nơi xét và trao giải Nobel Sinh lý học và Y học. Tùng nhớ mãi buổi hội thảo về sàng lọc và dự phòng ung thư cổ tử cung. Nhìn các bạn sôi nổi bàn luận về hệ thống dự phòng ung thư của nước mình, cả hai thấy lạ lẫm, ngồi im lắng nghe vì Việt Nam chưa có hệ thống nào như vậy. Họ nhận ra tầm quan trọng của dự phòng bệnh.
"Đây có thể coi là bước ngoặt định hình chặng đường học tập tiếp theo", Linh và Tùng cho hay.
Về Việt Nam, đi lâm sàng, Tùng quan sát thấy 70-80% bệnh nhân đến khám mắc ung thư giai đoạn cuối. Vì thế, bác sĩ cũng không giúp được nhiều cho họ. Đến đây, anh quyết định theo đuổi nghiên cứu y tế công cộng, tập trung vào dự phòng ung thư.
Phương Linh cũng chuyển từ định hướng lâm sàng sang nghiên cứu. Cô đặt mục tiêu đến môi trường học thuật hàng đầu thế giới với mong muốn góp phần cải thiện chất lượng đào tạo y khoa ở Việt Nam.
Cả hai bắt tay chuẩn bị hồ sơ để kịp ứng tuyển vào năm cuối đại học. Cùng chọn du học ngành y tế công cộng và nhắm vào các trường top 100, Linh và Tùng thường trao đổi, góp ý và sửa hồ sơ cho nhau. Năm 2016, cặp đôi cùng nhau học Thạc sĩ ở trường Y tế công cộng Bloomberg, theo diện học bổng toàn phần của Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF) và Đại học Johns Hopkins. Linh tập trung vào Dịch tễ học và Dinh dưỡng, còn Tùng chọn Dịch tễ học và Ung thư.
Trong một năm ở đây, Linh và Tùng càng hiểu khó khăn của sinh viên Y trong nước, đặc biệt về nghiên cứu khoa học. Tốt nghiệp, năm 2018, họ mở dự án Research Advancement Consortium in Health (REACH), hướng đến nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiên cứu cho cộng đồng y khoa Việt Nam. Dự án do Đại sứ quán và Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ.
Từ đó đến nay, cả hai tự điều hành REACH, xây dựng nền tảng học trực tuyến, tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các nghiên cứu hoặc dự án can thiệp, nâng cao sức khỏe cộng đồng của giới trẻ Việt.
"Chúng tôi mong giúp các bạn có thêm kinh nghiệm, làm dày hồ sơ xin học bổng du học và tạo ra những thay đổi tích cực sau khi về nước", Tùng nói. Nhiều người đã có bài báo đăng tạp chí quốc tế uy tín, báo cáo và nhận giải thưởng ở hội nghị y khoa trong và ngoài nước, hay tổ chức các khóa huấn luyện học sinh kỹ năng sơ cấp cứu.
Linh và Tùng tổ chức hội thảo ở dự án REACH. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Trở lại Mỹ năm 2019, Linh và Tùng học tiến sĩ ở trường Y tế công cộng T.H.Chan, Đại học Harvard. Ở khoa Dinh dưỡng, Linh nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của giáo sư Walter C. Willett, nhà khoa học y học được trích dẫn nhiều nhất thế giới năm 2023 với hơn 2.000 nghiên cứu đã xuất bản. Nhiệm vụ của cô là xây dựng thang điểm chi tiết cho từng nhóm thực phẩm, đánh giá mức độ lành mạnh của chế độ ăn lên sức khỏe con người và môi trường, theo cơ sở dữ liệu về sức khỏe người Mỹ. Linh mong xây dựng thang điểm tương tự ở Việt Nam để xây dựng chế độ ăn tốt cho người Việt.
Trong lúc đó, Tùng nghiên cứu dịch tễ học ung thư đại trực tràng, ở khoa Dịch tễ học. Ở một số đại học Mỹ, nghiên cứu sinh tiến sĩ có thể học miễn phí một số lớp ở ngành khác để được cấp bằng thạc sĩ, gọi là master’s in passing. Vợ chồng anh đều học thêm bằng thạc sĩ Thống kê y sinh, coi đây là công cụ để cập nhật kiến thức, phát triển phương pháp nghiên cứu.
Ngoài ra, cặp đôi tích cực tham gia giảng dạy. Tùng trợ giảng hai lớp là Đại cương về dịch tễ học và Suy luận nhân quả trong dịch tễ học. Anh cũng là trợ lý phát triển chương trình thạc sĩ của trường Y tế công cộng Harvard, trong hai năm. Tác phong đúng giờ, luôn giải đáp thắc mắc của sinh viên một cách dễ hiểu, anh được tin tưởng. Hai năm liền (2023, 2024), Tùng là "Trợ giảng xuất sắc" và "Trợ giảng của năm" ở khoa Dịch tễ học.
Trương Nguyễn Xuân Quỳnh, giảng viên Viện Khoa học Sức khỏe, Đại học VinUni, là người bạn thân thiết, theo sát hành trình làm tiến sĩ của Linh và Tùng. Cô tự hào, nể phục đôi bạn khi vừa nghiên cứu, vừa trợ giảng các môn khó ở Harvard, lại nhiệt tình hướng dẫn sinh viên.
"Mình quý cách hai bạn đồng hành, động viên, hỗ trợ nhau trong học tập và công việc để cùng đi tới mục tiêu", cô nói. "Cả hai khiêm tốn, cầu thị, tử tế và chân thành".
Nhìn lại, Tùng và Linh cho rằng có nhiều thời điểm khó khăn, nhất là khi Linh sinh con. Cô gặp một số biến chứng, tạm gác lại công việc để nghỉ thai sản. Không tránh khỏi những lúc cả hai mệt mỏi, cãi vã, nhưng họ luôn thống nhất được cách giải quyết, chia sẻ và hỗ trợ nhau.
"Vợ chồng mình đã làm tốt nhất trong khả năng của mỗi người", Linh nói. "Với mình, lần đầu làm mẹ, mình hiểu rằng đây là khóa đào tạo siêu nhân".
Cặp đôi trở về Việt Nam ngay sau lễ tốt nghiệp. Linh làm việc tiếp với nhóm nghiên cứu ở Harvard, Tùng giảng dạy bộ môn Sinh lý học ở Đại học Y Hà Nội, bên cạnh thỉnh giảng ở Đại học VinUni và điều hành dự án REACH.
Việt Kiều bảo lãnh cha mẹ qua Mỹ có phải để phụng dưỡng hay vì lý do khác?
Hôm nay, tôi xin tiếp tục chia sẻ về chủ để mà có thể khiến rất nhiều người khó chịu khi nghe bởi vì ‘sự thật thì hay mất lòng’. Đó là: Lý do gì khiến Việt Kiều đưa cha mẹ qua Mỹ, liệu có phải để phụng dưỡng cha mẹ tuổi già hay không ?