Ca sĩ Viết Thu: “Tôi từng hát ở quán cà phê với cát-xê không đủ để ăn 1 bữa gà rán mà vẫn bị quỵt”

"Trước khi đi hát chuyên nghiệp, tôi đã làm những công việc nhỏ nhất. Tôi từng đi quay hình một chương trình truyền hình phát sóng lúc 1, 2 giờ đêm, gần như không có ai xem với một bộ đồ rộng thùng thình được mua ở ngoài đường và cát-xê là 75.000 đồng", ca sĩ Viết Thu kể.

11:05 16/06/2023

Viết Thu tên đầy đủ là Lê Viết Thu, sinh năm 1993 tại Đà Lạt, Lâm Đồng trong một gia đình thuần nông. Được trời phú cho giọng hát và được truyền đam mê ca hát từ cha nên học hết phổ thông, Viết Thu xuống Sài Gòn thi Nhạc viện TPHCM và tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc khoa Thanh nhạc hệ đại học.

Ở tuổi 30, Viết Thu vừa theo học Cao học để lấy bằng Thạc sĩ chuyên ngành Thanh nhạc vừa là vocal coach (huấn luyện thanh nhạc) được một đơn vị khai thác độc quyền.

Mới đây, nam ca sĩ cũng đoạt giải Á quân cuộc thi Hãy nghe tôi hát 2023 và ghi dấu ấn mạnh ở dòng nhạc cách mạng, quê hương, trữ tình. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Viết Thu về chặng đường làm nghệ thuật nhiều thử thách và cũng đầy thú vị của anh.

Cố gắng hoàn thiện để được công nhận hơn nữa

- Chào Viết Thu! Những tập đầu tiên của Hãy nghe tôi hát, bạn bị danh ca Thái Châu chê "hát thiếu cảm xúc". Về tâm lý, khi bị người khác chê đã không mấy dễ chịu, nhất lại là chê trước công chúng. Bạn có cảm xúc và suy nghĩ gì?

Lúc còn học ở Nhạc viện, tôi được đánh giá cao về hát cảm xúc nhưng khi vào cuộc thi, tôi nhận được những góp ý đó. Lúc đầu, tôi cũng chạnh lòng nhưng đã là người nghệ sĩ thì đối tượng khán giả mình cần chinh phục là đủ mọi tầng lớp. Cho nên tôi lắng nghe tất cả nhận xét của mọi người.

Đúng là lúc đầu tôi chạnh lòng nhưng sau đó, nó là động lực để tôi phấn đấu và chiến thắng chính mình. Chú Thái Châu là danh ca lớn, là tiền bối đi trước, những gì tôi đang đi, chú đã trải qua rồi nên chú góp ý nên tôi rất tôn trọng.

Tôi cố gắng hoàn thiện để được công nhận hơn nữa. Đó là bài học lớn của tôi để tôi thấy, mình chưa đủ giỏi và cần cố gắng thật nhiều.

Khi đã tham gia một cuộc thi, việc khen chê, mình phải lường trước. Mình không phải số 1, mình đâu là gì ghê gớm, trên con đường mình đi có rất nhiều người tài, người giỏi mà mình cần học hỏi nên còn được chê là còn mừng, điều đó giúp mình cố gắng hơn mỗi ngày. Nếu ra đường, ai cũng khen thì mình sẽ bị ỷ y, mình sẽ ở mãi trong vùng đất của mình mà không thoát ra ngoài được.

Đối với tôi, Hãy nghe tôi hát là một cuộc chơi. Tôi vui vì mình đã đi được tới cùng cuộc chơi ấy, còn giải thưởng chỉ là điểm khởi đầu. Cuộc đời tôi, còn nhiều nấc thang khác cần chinh phục. Điều mình cần chinh phục nhất là được khán giả yêu thương, đó mới là mục tiêu tôi cần cố gắng đạt được.

Viết tiếp ước mơ của cha từ những công việc nhỏ nhất

- Nhiều người mong chờ, giải thưởng sẽ mở ra một con đường mới để nổi tiếng hơn hoặc cát-xê cao hơn nhưng cũng không ít người đã vỡ mộng. Viết Thu thì sao?

Cho dù Á quân hay Quán quân hay không được giải thì đã yêu nghề thì phải luôn tìm đường đi cho mình. Tôi nghĩ, bản thân mình mới là quan trọng nhất.

Trước khi đi hát chuyên nghiệp, tôi đã làm những công việc nhỏ nhất. Tôi từng đi quay hình một chương trình truyền hình phát sóng lúc 1, 2 giờ đêm, gần như không có ai xem với một bộ đồ rộng thùng thình được mua ở ngoài đường và cát-xê là 75.000 đồng.

Tôi cũng từng xin đi hát ở quán cà phê với cát-xê thấp tới mức không đủ để mình ăn một bữa gà rán nhưng hát 1, 2 buổi, họ không cho hát nữa hoặc không trả lương.

Tôi cũng từng đi hát bè cho các ca sĩ ngôi sao. Đó là những môi trường để tôi luyện tập hàng ngày, học hỏi cách các anh chị giao lưu với khán giả. Khi nhìn các anh chị được đứng trên sân khấu, cất cao tiếng hát của mình, được khán giả yêu mến tôi hiểu điều đó hạnh phúc và sung sướng thế nào. Từ đó mình có động lực để bước tiếp.

Khi đã trải qua những điều đó thì dù sau cuộc thi, mình không nổi tiếng hơn hoặc cát-xê không cao hơn, tôi cũng không hụt hẫng. Tôi đã từng không được gì rất nhiêu rồi nên bây giờ, không được gì cũng bình thường.

- Nghe bạn kể thì chặng đường vào nghề gian nan quá?

Gian nan mà vui lắm vì tôi được làm nghề. Tôi trân trọng mọi việc mình đã làm. Và làm gì tôi cũng luôn cố gắng làm tốt nhất. Dù quay cho một chương trình gần như không có người xem thì tôi vẫn chỉnh chu. Đó là những bài học cho tôi.

Nhà tôi không có ai hoạt động nghệ thuật nhưng ba tôi hát rất hay. Tôi có một bài được mọi người rất thích là "Chào em cô gái Lam Hồng" với gần 10 triệu view trên Tiktok. Cha tôi chính là người tập cho tôi bài này từ lúc bé.

Thời tuổi trẻ, cha tôi từng mơ ước trở thành nghệ sĩ. Mỗi khi đi xa trở về nhìn mắt cha, tôi thấy cha càng lúc càng lớn tuổi và khi nhìn cha, tôi thầm nghĩ, mình phải viết tiếp ước mơ này của cha và phải đi đến tận cùng con đường này.

Lần đầu tiên tôi lên tivi mà cả nhà thấy là lúc tôi đi hát bè. Tôi hát cho chương trình Dấu ấn của VTV3 làm cho danh ca Ngọc Sơn. Chương trình tổ chức ở nhà thi đấu Nguyễn Du, khán giả đông tới mức nhiều người phải đứng ngoài nghe.

Khi thấy tôi trên tivi, cha tôi nói: "cha ước một ngày, khi mở tivi lên, cha thấy con cũng được khán giả yêu thương như thế". Câu nói đó của cha truyền động lực cho tôi phải cố gắng mỗi ngày trên con đường mình đang đi.

 

Tags:
“Ông vua” xuất khẩu trái cây Việt: Chúng ta đang chọn những loại quả rất “yếu” để đi Mỹ

“Ông vua” xuất khẩu trái cây Việt: Chúng ta đang chọn những loại quả rất “yếu” để đi Mỹ

Trái vải rất ngon, nhưng vận chuyển nội địa rồi chiếu xạ xong, nhiều quả đã hư hỏng trước khi kịp sang Mỹ. Chôm chôm, vú sữa… muốn xuất khẩu lượng lớn và quanh năm là rất khó.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất