Bôn ba xứ người 38 năm, tôi cầm hơn 16 tỷ đồng về quê xây cầu giúp bà con rồi nhận về bài học cay đắng: Làm ơn mắc oán, lòng người thật khó đoán!
Đổ công sức và tiền bạc ra để giúp xóm làng “đổi mới”, không ngờ điều người đàn ông Trung Quốc nhận về là những lời phán xét, soi mói.
14:44 28/10/2024
*Dưới đây là bài chia sẻ của tác giả Lâm Dương Châu, được đăng trên trang Toutiao (Trung Quốc).
Tôi năm nay 65 tuổi, là một doanh nhân khá thành đạt. Thời trẻ, tôi nhập ngũ rồi chuyển sang làm việc trong một xí nghiệp quốc doanh ở tỉnh lỵ năm 26 tuổi. Ở tuổi 54, tôi nghỉ việc và sau đó 3 năm thì bắt đầu kinh doanh đồ cũ với một người bạn. 8 năm trên thương trường, tôi có tài sản hàng chục triệu NDT (bao gồm cả một số bất động sản).
Con gái duy nhất của tôi nay cũng đã trưởng thành, lấy chồng doanh nhân và có một con. Cuộc sống dư giả, đủ đầy không có gì phải lo nghĩ khiến một người cha ở tuổi xế chiều như tôi an lòng.
Từ năm ngoái, cửa hàng kinh doanh xe cũ của tôi đã được giao cho con trai bạn tôi quản lý. Mỗi tháng, tôi ngồi không cũng được chia tiền lãi. Cuộc sống về già an nhàn, tôi đưa vợ đi du lịch khắp nơi. Thế nhưng đi nhiều cũng sẽ chán, vì vậy, chúng tôi về quê thăm họ hàng và bà con láng giềng.
Ngày trước, thông thường 3 năm tôi mới về quê một lần. Lúc nào về cũng vội vã, chỉ cần xong công việc cần giải quyết là tôi quay lại thành phố ngay. Cũng vì lần về quê này không còn vướng công chuyện, tôi nán lại lâu hơn thì mới nhận ra đời sống thôn quê không khác 30 năm trước là bao.
“Vinh quy bái tổ”
Cảnh vật gần như vẫn nguyên trạng, chẳng có mới mà chỉ cũ đi theo thời gian. Cây cầu đá mà tôi từng đi học khi còn nhỏ nay cũng xuống cấp đi rất nhiều. Xe cộ qua lại rất nguy hiểm. Xe ô tô không thể đi qua mà chỉ có thể đi bộ để qua phía bên kia cầu.
Không chỉ cây cầu cũ, những con đường nhỏ trong xóm cũng cũng chi chít ổ gà, ổ voi. Dân làng còn nghèo nên chưa có tiền đầu tư, khắc phục. Khi trời mưa, những ổ gà, ổ voi này sẽ biến thành hố bùn rất bẩn. Đường đi cũng không có đèn đường, tham gia giao thông buổi tối rất nguy hiểm.
Hơn nữa, làng cũng không có chỗ tập kết rác mà mọi gia đình đều đổ trực tiếp ra sông rạch, gây ô nhiễm môi trường rất trầm trọng.
Nhìn đời sống làng quê còn nghèo nàn, lạc hậu khiến người con xa xứ như tôi rất buồn. Do đó, tôi nảy ra ý định trích ra khoảng 5 triệu NDT (hơn 16 tỷ đồng) từ tài sản cá nhân của mình để xây dựng một số công trình cho quê hương như sửa và lắp đèn đường, xây lại cầu và tìm người dọn dẹp dòng sông nhỏ trong làng.
Vì không thể tự mình làm hết mọi việc, tôi đã đến gặp cán bộ thô
n để kêu gọi thêm sự giúp đỡ. Nghe thấy có người đóng tiền đổi mới bộ mặt xóm làng, bí thư thôn rất vui vẻ, tiếp đãi tôi rất nồng nhiệt. Tuy nhiên, ông cũng cho tôi biết rằng để có sự giúp sức của người dân thì hơi khó. Bởi suốt 30 năm kể từ khi tôi rời quê, thế hệ cũ nhiệt huyết ngày xưa đã không còn, thế hệ trẻ hầu như cũng đã rời quê đi làm. Nội bộ trong làng hiện nay không còn đoàn kết như xưa nữa.
Dẫu vậy, chúng tôi vẫn quyết định thực hiện kế hoạch này, bởi tôi nghĩ rằng, khi mọi người đều cùng hưởng lợi, họ sẽ đoàn kết hơn. Sau khi phổ biến kế hoạch với dân làng, ai cũng nhiệt tình hưởng ứng, thậm chí nhiều người còn khen tôi “ uống nước nhớ nguồn”.
Khởi đầu thuận lợi khiến tôi rất vui. Được sự đồng ý của mọi người, tôi đưa tiền cho bí thư chi bộ thôn thuê người triển khai, rồi giám sát công việc sửa chữa trong thôn cùng với một vài người dân làng trạc tuổi có kinh nghiệm. Việc thực hiện các dự án đề ra không hoàn toàn giao cho người ngoài, nhân công phần lớn vẫn là dân làng. Lương tôi trả cho họ cũng không thấp, cao hơn hẳn so với lương bên ngoài.
Tuy nhiên trong quá trình thay đổi bộ mặt mới cho thôn làng, nhiều vấn đề nảy sinh khiến tôi rất phiền lòng.
Rắc rối bủa vây
Ngày đầu tiên khởi công xây lại cây cầu nhỏ, chúng tôi muốn vận chuyển vật tư đến hiện trường thì đã gặp sự cố vì không có chỗ để đổ cát, sỏi. Các hộ dân gần đó đều không muốn có một đống cát, sỏi khổng lồ ngay trước nhà nên đều từ chối. Vấn đề này khiến tôi phải nhờ bí thư thôn đến thương lượng.
Sau khi thương lượng xong, chỉ vài hôm sau khi đổ đống cát, sỏi xuống thì gia đình kia đến gặp tôi đòi bồi thường vì chỗ nguyên vật liệu xây dựng đã làm hư hại vườn rau của họ. Họ yêu cầu đền bù số tiền 1000 NDT nhưng được bí thư chi bộ thôn thương lượng xuống còn 200 NDT.
Trong quá trình thi công sau này, chúng tôi còn gặp rất nhiều điều khó hiểu khác. Ví dụ như trong lúc sửa đường, nhiều hộ gia đình kiến nghị việc máy móc thi công làm ảnh hưởng đến cuộc sống của họ và tiếp tục đưa ra yêu cầu đền bù bằng tiền bạc. Bí thư thôn bảo tôi không nên làm vậy để tránh những trường hợp “đòi tiền” tương tự sẽ tiếp tục xảy ra. Tuy nhiên vì muốn giải quyết nhanh vấn đề nên tôi đã đưa cho những hộ dân có liên quan mỗi nhà 1 phong bì đỏ trị giá 50 NDT.
Ngay sau đó, tôi đã cảm thấy vô cùng hối hận khi đã không nghe lời dặn của bí thư thôn. Bởi đúng như lời ông ấy nói, nhiều ngày sau, các hộ dân khác lại tìm đến tôi với đủ mọi lời khiếu nại nhằm muốn tôi đền bù ảnh hưởng. Bất đắc dĩ, tôi đã đưa tổng cộng 20 cái phong bì đỏ cho họ để có thể đẩy nhanh tiến độ công việc cũng như tránh những rắc rối.
Không những thế, khi việc sửa đường trong làng được hoàn thiện một nửa, tôi nhận thấy cát sỏi, xi măng tích trữ bên đường làng sau vài ngày sẽ giảm đi một ít. Quá chán nản, tôi chẳng thiết làm gì nữa vì thiếu vật tư xây dựng. Chính bí thư thôn là người đã đứng ra truy bắt những kẻ ăn trộm. Sau vụ việc này, tôi lại phải chi thêm tiền để thuê người trông coi để tình trạng trên không tiếp diễn.
Khi cầu và đường được làm mới xong, tôi lại tiếp tục bàn về kế hoạch làm sạch con sông trong làng và xây dựng điểm tập kết rác mới với mọi người. Tuy nhiên, việc này rất khó thực hiện khi một người mười ý. Có người cho rằng bãi rác mà chúng tôi chọn quá xa, rất bất tiện khi đi lại nên muốn một chỗ gần hơn. Có người lại cho rằng tôi chẳng cần phải thực hiện kế hoạch này làm gì, bởi họ đã sống hơn 30 năm với con sông đầy rác mà chẳng bị ảnh hưởng gì.
Điều này khiến tôi rất sầu não bởi lòng tốt của mình bị người dân xem nhẹ. Không những thế, sau khi bỏ tiền riêng giúp mọi người sửa cầu và đường, tôi nhận thấy những lời đồn đại ác ý về tôi còn nhiều hơn là những lời khen ngợi.
Có nhiều người chỉ trích sau lưng tôi, nói tôi làm thế chỉ để khoe tiền. Có người còn đồn thổi tôi làm ăn không chân chính ở bên ngoài nên mới có nhiều tiền… Những lời chỉ trích này như những nhát dao. Nếu như trước đây khi nghe được những lời như vậy, tôi có thể không quan tâm. Thế nhưng bây giờ khi tôi đã dốc tiền, dốc sức ra để giúp mọi người nhưng chỉ nhận về những điều tiếng không đúng khiến tôi thực sự rất thất vọng.
Bài học đắt giá cho bản thân
Sau khi hoàn thành việc cải tạo dòng sông và có chỗ tập kết rác cho người dân, tôi còn định quyên góp khoảng 50.000 NDT để xây dựng thêm hệ thống đèn đường trong thôn. Tuy nhiên, sau đó tôi đã từ bỏ ý định này bởi việc tốt này cũng có thể sẽ nảy sinh nhiều mâu thuẫn như đã từng.
Bí thư thôn cũng hiểu phần nào quyết định của tôi. Ông an ủi và mở lời thay mặt dân làng cảm ơn sự đóng góp mà tôi đã dành cho làng xóm. Trên thực tế, lần này về quê có thể góp chút sức mình giúp bộ mặt quê hương khởi sắc khiến tôi rất vui mừng. Đó vẫn là điều tôi cảm thấy đáng tự hào và không hề hối hận về những việc mình đã làm.
Tuy nhiên, qua những chuyện đã xảy ra, tôi cũng rút ra cho mình một bài học sâu sắc, đó là lòng người thực chất còn khó đoán định hơn tất cả.
Nếu như bạn mong đợi người đời sẽ tử tế với bạn chỉ vì bạn tử tế với họ, thì cũng giống như việc bạn trông chờ một con sư tử không ăn thịt mình chỉ vì mình không ăn thịt nó.
Dẫu vậy, cũng đừng vì những cá nhân đó mà quên đi sự tử tế của mình. Đôi khi bạn cho đi là vì tha thiết muốn cho đi chứ không phải là để nhận lại. Do đó, đừng bao giờ quan tâm đến những kẻ nói xấu sau lưng bạn. Vì đó là những kẻ không chân thành, không đáng để bạn nghĩ đến.
Hãy cứ là chính mình và lan tỏa những điều tốt đẹp để cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Đi xuất khẩu lao động 8 năm mới về, con không nhận mẹ còn nói một câu làm tôi xách vali đi ngay
Tôi nhao vào ôm ấp, hôn má con gái nhưng đứa trẻ không cười cũng không nói một câu nào.