Bạn cài app hẹn hò rồi bảo xài, mẹ đơn thân vô tình "được lòng" anh bác sĩ Pháp cao 2m: Đám cưới ấn tượng
Nhiều người thân, bạn bè đã đồng hành cùng Nguyệt trong những năm tháng cô một mình nuôi con cũng có mặt trong đám cưới. Ai cũng xúc động nhưng người vui nhất có lẽ chính là con gái của cô.
11:14 20/06/2023
Không biết mọi người thế nào chứ bản thân tôi rất ngưỡng mộ những phụ nữ sống có trách nhiệm với cuộc đời mình, trong đó có những người bất đắc dĩ chọn làm mẹ đơn thân nhưng không yếu đuối, bi lụy mà luôn suy nghĩ tích cực, nỗ lực tự chủ tài chính, nuôi dạy con lớn khôn, báo hiếu cha mẹ... Rất nhiều trong số ấy rồi cũng gặp được "mảnh ghép" thực sự dành cho họ, sống hạnh phúc viên mãn.
(Ảnh minh họa: laodong)
Mới đây, đọc trên báo VNE, tôi có thấy câu chuyện của cô nàng Nguyễn Minh Nguyệt cũng khá thú vị nên xin phép được chia sẻ lại với mọi người. Theo VNE đăng tải thì năm Nguyệt 22 tuổi, bố cô phát hiện bị bệnh K não và mất sau 3 tháng.
Sự ra đi đột ngột của bố khiến Nguyệt rơi vào trầm cảm, phải tạm gác công việc. Lúc này, gia đình quyết định cho cô đi du học để thay đổi môi trường, đồng thời cô cũng được bác sĩ tâm lý hỗ trợ thêm. Nói thêm về Nguyệt, cuộc đời cô cũng gặp biến cố khác là từng bị phụ bạc, chọn sinh con một mình. Nhiều năm nay, cô giỏi giang khi làm trụ cột kinh tế để lo cho mẹ và con gái nhỏ.
Bình thường Nguyệt chỉ biết có công việc, cơ duyên đến vào năm 2020 khi một người bạn tự cài ứng dụng hẹn hò vào máy cô nàng rồi bảo xài đi, chừng đó không thích hẵng xóa cũng chưa muộn. Thế nhưng trước khi xóa app, Nguyệt vô tình thấy lời kết bạn của một chàng trai Pháp đến Việt Nam du lịch tên là Florian Casagrande, lớn hơn cô 5 tuổi. Do khách sạn của anh nằm trên con phố ở nhà cũ của Nguyệt nên cô nán lại chỉ cho anh một số điểm tham quan trước khi xóa.
Nói qua nói lại, cô mới biết anh là một bác sĩ tâm lý. Ngược lại, anh chàng người Pháp lại dần biết được nỗi đau sâu kín nhất của cô gái mới quen. Anh thấu hiểu và đưa ra một số lời nhận xét, khuyên nhủ tốt cho cuộc sống của cô nàng. Một ngày nọ, Nguyệt làm về không thể vào nhà vì khu cô sống bị phong tỏa do liên quan dịch cô vít, mẹ và con gái thì đã sang nước ngoài. Nhân dịp này, anh Florian đã rủ chị vào Hội An chơi cùng bạn bè. Lần đầu diện kiến, nàng Việt bất ngờ trước chàng bác sĩ tâm lý cao 2 mét. Chàng Pháp thì nhận thấy đối phương thấp nhưng xinh.
Lần khác, Florian quay lại Hà Nội và chẳng may bị ngộ độc thực phẩm. Lúc này, Nguyệt đã lo thuốc thang, đồ ăn, khẩu trang y tế... khiến chàng Pháp vô cùng cảm kích. Sau này, anh về nước nhưng thường xuyên giữ liên lạc với cô gái Việt. Điều đó khiến tình cảm của họ ngày một lớn và thú nhận với nhau.
Một năm rưỡi yêu xa (một phần vì do dịch bùng phát trên thế giới), cặp đôi làm việc tại nhà nên có cơ hội trò chuyện với nhau nhiều hơn, hiểu nhau nhiều hơn. Nam bác sĩ tâm lý này đã truyền cảm hứng giúp cô gái "có nỗi đau sâu kín" tìm ra những sở thích của mình, còn lập group mạng xã hội kết nối các phụ nữ đơn thân lại với nhau, giúp chị em lạc quan, yêu đời hơn.
Lúc bấy giờ, Florian đòi kết hôn. Tuy nhiên, do còn bị ám ảnh bởi quá khứ bị từ hôn nên Nguyệt vội từ chối khiến bạn trai cảm thấy buồn, hụt hẫng. Anh chàng hiểu tính bạn gái nên không nóng vội mà cho thêm thời gian. Một thời gian sau, Nguyệt nhận thấy cả hai người không có bất đồng nào, thích hợp để tiến tới hôn nhân, ngoại trừ một mối lăn tăn là ai sẽ chịu rời quê hương để đến ở với người kia mà thôi.
Thú thật mà nói, nếu tôi là Nguyệt thì tôi cũng rất khó quyết định. Vì để có được sự nghiệp vững như hiện tại, cô đã vất vả phấn đấu rất nhiều. Mặt khác, cuộc sống của bác sĩ Pháp hơi đối lập với cuộc sống của Nguyệt. Trong khi cô nàng quen sống ở thành phố lớn và tiêu xài thoải mái thì bạn trai lại ở trong một căn nhà lớn tại vùng biên giới giáp ranh Đức và Luxembourg, ít người Việt.
Anh suốt ngày quan tâm đến những vấn đề vĩ mô như ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa, đồ thừa... nên hạn chế đi chợ, tiêu dùng vừa phải, tận dụng đồ sẵn có. Chính vì muốn tự chủ tài chính cộng với nỗi hoang mang bởi sự khác biệt lối sống nên Nguyệt từng bắt bạn trai phải chọn lựa, nếu muốn đến với cô thì phải qua Việt Nam.
Trước thái độ cứng rắn của bạn gái, Florian vẫn cư xử từ tốn, tác động từ từ để cô hiểu rằng bản thân anh không qua Việt Nam vì muốn làm chỗ dựa cho hai mẹ con. Anh cũng muốn bạn gái hiểu rằng bảo vệ môi trường là điều nên làm để những người thân yêu có sức khỏe tốt, có cuộc sống tốt đẹp hơn... Đồng thời, Florian cũng hứa giúp Nguyệt xin được việc làm nếu qua Pháp sống, hướng dẫn cách để cô nàng chi tiêu hợp lý, quán xuyến cuộc sống hiệu quả hơn.
Và mọi người biết không, với khả năng nói được 4 ngoại ngữ, lại nhiều năm làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật, Nguyệt nhanh chóng tìm được công việc mới. Tháng 9/2022, Nguyệt được tuyển làm trưởng đại diện của một công ty kỹ thuật trụ sở châu Âu. Tuy nhiên, cô từ chối vì phải đi công tác nhiều.
Tháng 11/2022, cặp đôi tổ chức đám cưới vô cùng ấn tượng. Nhiều người thân, bạn bè đã đồng hành cùng Nguyệt trong những năm tháng cô một mình nuôi con cũng có mặt trong đám cưới. Ai cũng xúc động nhưng người vui nhất có lẽ chính là con gái của cô. Có lẽ vì từ nay em ấy đã có một người bố, mẹ em thì được hạnh phúc sau chuỗi ngày nỗ lực vất vả để lo cho em và cho bà ngoại em.
(Ảnh: NVCC/ VNE)
Có một câu rất hay là sau cơn mưa, bạn nhìn lên thì thấy cầu vồng, nhìn xuống thì thấy sình lầy, tóm lại nhìn thấy gì là nằm ở bản thân bạn. Thế nên sau những khó khăn, biến cố, đổ vỡ... muốn vực dậy thì mọi người nên lấy đó làm bài học, suy nghĩ tích cực, phấn đấu vì tương lai chứ đừng mải đắm chìm trong quá khứ đau buồn. Như cô nàng Minh Nguyệt trong câu chuyện trên.
Tôi thấy cô từng bị phụ bạc phải làm mẹ đơn thân, rồi mất bố đột ngột đến mức trầm cảm phải nghỉ việc... vậy mà dần dần cô đã xuất sắc lấy lại phong độ, có sự nghiệp vững chãi để lo cho bản thân và gia đình, rồi nắm bắt hạnh phúc mới. Chính Nguyệt cũng có nói rằng, "trên hết, Florian tự hào khi thấy cô là một người mẹ đơn thân tự chịu trách nhiệm với việc mình làm mà không trốn tránh, hèn nhát". Đó là một trong những lý do khiến anh cảm thấy yêu và trân trọng người phụ nữ của mình hơn.
1.000 ngày sống cảnh nô lệ xứ người của cô gái 18 tuổi: 'Về đây đói khổ có ba, ba xin tiền anh Hai cho con về Việt Nam'
Một mùa Tết nữa lại đến, tôi khóa Facebook, nằm vật ra giường khóc mỗi đêm. Qua Tết, tôi up vài tấm ảnh vui tươi chụp chỗ này chỗ nọ để chứng minh mình cũng đi chơi. Bạn bè vào comment: "Vui vẻ quá!", "Thích quá", "Nga đẹp quá", tôi gào lên khóc.