'Thuế Việt Nam đang áp thấp hơn nhiều mức 90% Mỹ tính toán'

Mỹ nói thuế suất nhập khẩu Việt Nam đang áp tới 90% nhưng đại diện Bộ Tài chính khẳng định "thuế suất bình quân thực tế chỉ khoảng 9,4%".

21:07 03/04/2025

Thuế nhập khẩu đối ứng được Mỹ áp dụng với hơn 180 đối tác thương mại, dao động từ 10-50%. Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất với thuế suất là 46%. Mức thuế này được đưa ra nhằm "đối ứng" với thuế nhập khẩu Việt Nam đang áp dụng với hàng hóa từ Mỹ, tức là khoảng 90%, theo cách tính của nước này.

Tuy nhiên, tại họp báo thường kỳ ngày 3/4, ông Trương Bá Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) khẳng định mặt bằng thuế quan của Việt Nam áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ "thấp hơn rất nhiều so với con số 90% mà Mỹ tính toán".

Biểu thuế đối ứng của Mỹ do Tổng thống Donald Trump công bố ngày 2/4. Trong đó, Việt Nam được Mỹ đánh giá đã tính thuế suất 90% với hàng hóa Mỹ. Ảnh: AFP
Biểu thuế đối ứng của Mỹ do Tổng thống Donald Trump công bố ngày 2/4. Trong đó, Việt Nam được Mỹ đánh giá đã tính thuế suất 90% với hàng hóa Mỹ. Ảnh: AFP

Ông Tuấn dẫn thông tin từ báo cáo của cơ quan thương mại của Mỹ cho biết mức thuế suất bình quân của Việt Nam áp dụng với hàng hóa nước này chỉ khoảng 9,4%. Trong đó, phần lớn mặt hàng của Mỹ khi xuất khẩu sang Việt Nam chịu thuế cao nhất 15% hoặc thấp hơn.

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng cơ sở tính thuế của Mỹ gồm nhiều yếu tố, không chỉ thuần tuý dựa trên thuế suất. Do đó, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu cụ thể căn cứ tính thuế này, để có các giải pháp phù hợp.

Với mức thuế 46% mới công bố, ông Tuấn cho biết mức này "cao hơn rất nhiều so với thực tế đang áp dụng". Theo ông, việc này sẽ tác động tiêu cực cho nhiều ngành sản xuất, đặc biệt là nhóm ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn như điện tử, nông nghiệp, dệt may, da giày...

Cũng tại họp báo, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định Việt Nam mong muốn hướng tới cân bằng thương mại, song việc này phải theo hướng "tốt hơn cho các bên".

"Định hướng là kiên trì tìm ra giải pháp, trao đổi với đối tác thương mại để cân bằng theo hướng tăng kim ngạch mà không cần tăng thuế", ông nói, cho rằng việc này cũng giúp người tiêu dùng hai nước cùng hưởng lợi.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết cuối tuần này, lãnh đạo Chính phủ sẽ sang Mỹ để trao đổi nhiều nội dung liên quan trực tiếp việc áp thuế đối ứng của Mỹ. "Chúng ta tin tưởng mức chính quyền Mỹ công bố là tối đa, mức cụ thể sẽ còn được xem xét", ông Chi nói, kỳ vọng những thông tin trao đổi sắp tới sẽ được đối tác lắng nghe và có bước đi phù hợp. 

Theo số liệu từ Cục Hải Quan, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng trị giá 119,5 tỷ USD và nhập từ thị trường này 15,1 tỷ USD. Có 15 mặt hàng xuất khẩu tỷ USD, trong đó 3 nhóm áp đảo gồm máy tính - linh kiện với 23,2 tỷ USD; máy móc thiết bị và dệt may lần lượt 22 tỷ và 16,2 tỷ USD.

Điện thoại, gỗ hay giày dép cũng là nhóm hàng đem lại giá trị lớn, dao động 8,3-9,8 tỷ USD. Nông sản cũng có đóng góp quan trọng, như hạt điều và thủy sản lần lượt 1,15 tỷ và 1,83 tỷ USD hay cà phê gần 323 triệu USD.

Thực tế, Bộ Tài chính vừa qua đã rà soát tổng thể thuế suất nhập khẩu, tham mưu Chính phủ giải pháp phù hợp để thích ứng với những biến động. Gần nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73 sửa đổi mức thuế suất MFN với một số mặt hàng, có hiệu lực từ ngày ký. Theo đó, Việt Nam đã giảm thuế với 16 nhóm mặt hàng, như ôtô, gỗ, khí hóa lỏng LNG, sản phẩm nông nghiệp (đùi gà, cherry, táo)...

Phương Dung

Link nguồn:

Tags:
Trương Minh Cường nói bản thân thất bại với 'Giấc mơ Mỹ', quay về Việt Nam làm lại từ đầu

Trương Minh Cường nói bản thân thất bại với "Giấc mơ Mỹ", quay về Việt Nam làm lại từ đầu

Trương Minh Cường - từng được khán giả ví như "Jang Dong Gun Việt Nam" - nói bản thân thất bại với giấc mơ Mỹ, quay về nước làm lại từ đầu.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất