Tân thủ hiến Greenland: Mỹ sẽ không có được hòn đảo
Tân thủ hiến Nielsen tuyên bố Greenland sẽ tự quyết định tương lai của hòn đảo và không trở thành một phần lãnh thổ Mỹ.
13:07 31/03/2025
Tân thủ hiến Nielsen tuyên bố Greenland sẽ tự quyết định tương lai của hòn đảo và không trở thành một phần lãnh thổ Mỹ.
"Tổng thống Donald Trump nói Mỹ 'sẽ có Greenland'. Tôi xin nêu rõ: Mỹ sẽ không có Greenland. Chúng tôi không thuộc về ai cả. Chúng tôi tự quyết định tương lai của mình", tân Thủ hiến Greenland Jens-Frederik Nielsen cho biết ngày 31/3.
Thủ hiến Nielsen bình luận sau khi Tổng thống Trump ngày 30/3 trả lời phỏng vấn NBC News rằng ông đã có những cuộc trao đổi thực sự về việc sáp nhập Greenland, hòn đảo tự trị của Đan Mạch. "Chúng tôi sẽ có Greenland. Đúng, 100% là vậy", ông chủ Nhà Trắng nói.
Jens-Frederik Nielsen, lãnh đạo đảng Demokraatit, tại Nuuk, thủ phủ đảo Greenland ngày 8/3. Ảnh: AP
Tổng thống Trump từng nhiều lần tuyên bố muốn sáp nhập Greenland vào Mỹ và không loại trừ phương án sử dụng vũ lực để làm điều này. Ông chủ Nhà Trắng ngày 28/3 khẳng định Washington cần hòn đảo vì "hòa bình thế giới".
Diễn biến khiến quan hệ giữa Mỹ với Đan Mạch và Greenland thêm căng thẳng. Phó tổng thống Mỹ JD Vance tuần trước đã thăm Greenland, chỉ trích Đan Mạch chưa làm tốt công việc và chưa đầu tư đủ cho người dân hòn đảo, điều mà Copenhagen phủ nhận.
Greenland có dân số gần 57.000 người và diện tích khoảng 2,16 triệu km2, nằm trên tuyến đường ngắn nhất từ Bắc Mỹ tới châu Âu. Hòn đảo có nguồn khoáng sản dồi dào, phần lớn chưa được khai thác.
Vị trí Greenland. Đồ họa: Britannica
Đan Mạch phản bác chỉ trích của Phó tổng thống Mỹ về Greenland
Đan Mạch tuyên bố không đánh giá cao giọng điệu của Phó tổng thống Mỹ về Greenland, khẳng định đã tăng cường đầu tư an ninh cho khu vực.
"Rất nhiều cáo buộc đã được đưa ra. Chúng tôi sẵn sàng đón nhận những chỉ trích, nhưng thành thật mà nói, chúng tôi không đánh giá cao giọng điệu của Phó tổng thống Mỹ JD Vance. Đây không phải cách nói chuyện với đồng minh thân cận, tôi vẫn coi Đan Mạch và Mỹ là những đồng minh thân cận", Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen viết trên mạng xã hội ngày 29/3.
Ngoại trưởng Rasmussen khẳng định Đan Mạch đã tăng cường đầu tư vào an ninh ở khu vực Bắc Cực. Hồi tháng 1, nước này công bố kế hoạch trị giá 2 tỷ USD để mua ba tàu tuần tra, hai máy bay không người lái (UAV) tầm xa và một số máy bay tuần thám biển để tăng hiện diện quân sự tại đảo Greenland.
Ông Rasmussen cũng nhấn mạnh sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Greenland đã giảm từ hàng nghìn binh sĩ tại 17 căn cứ và cơ sở trên đảo hồi năm 1945 xuống còn khoảng 200 quân nhân tại căn cứ Pituffik.
Ngoại trưởng Rasmussen tham dự một cuộc họp ở Brussels, Bỉ, ngày 27/1. Ảnh: AFP
Bình luận được đưa ra một ngày sau khi Phó tổng thống Vance lần đầu tới thăm căn cứ Pituffik, tây bắc đảo Greenland, và chỉ trích rằng Đan Mạch "chưa đầu tư đủ" cho người dân và cấu trúc an ninh của Greenland. Chuyến thăm bị cả giới chức Đan Mạch và Greenland coi là hành động khiêu khích.
Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nhiều lần tuyên bố muốn sáp nhập Greenland vào Mỹ và không loại trừ phương án sử dụng vũ lực để làm điều này. Ông chủ Nhà Trắng ngày 28/3 nhắc lại mong muốn trên, khẳng định Washington cần hòn đảo vì "hòa bình thế giới".
Hàng trăm người hôm 29/3 tập trung bên ngoài đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Copenhagen của Đan Mạch để phản đối kế hoạch của ông Trump. "Chúng tôi lo lắng cho gia đình đang sống ở Greenland. Chúng tôi cũng lo ngại về những gì sẽ xảy ra với họ nếu việc sáp nhập xảy ra", Kista Lynge Hoegh, một người Greenland tham gia biểu tình, cho hay.
"Chúng tôi muốn cùng nhau nói rằng lời lẽ của Mỹ liên quan Greenland và Đan Mạch là không thể chấp nhận được", Mimik Rosing, người tham gia biểu tình, nói.
Theo Vnexpress
Link nguồn:

Ông Trump 'rất tức giận' với ông Putin
Ông Trump nói "rất tức giận" với ông Putin và sẽ áp thuế với các bên mua dầu Nga nếu thấy Moskva cản trở nỗ lực chấm dứt xung đột Ukraine.