Nỗi cô đơn của những lao động hồi hương

Sau 15 năm làm việc ở nước ngoài, Ayu Rosita trở về quê hương nhưng vùng núi Tây Java (Indonesia) đã hoàn toàn khác so với trí nhớ của cô.

08:08 01/04/2025

Ngôi làng cách Jakarta hai giờ lái xe, giờ đầy nhà cao tầng, cửa hàng tiện lợi và đông xe cộ. Ở những ngọn đồi, khách sạn và nhà hàng mọc lên như nấm.

Nhưng Ayu lại thấy mình lạc lõng và cô đơn giữa sự phát triển ấy. Bạn bè cô hầu hết chuyển đến các thành phố khác trong khi một số người thân đã qua đời. Họ hàng còn lại của Ayu là cháu trai, cháu gái, những đứa trẻ cô hầu như không quen, vì chúng quá nhỏ khi cô rời làng đi làm ăn xa.

"Tôi cảm thấy mình là người xa lạ trong chính quê hương mình", người phụ nữ 41 tuổi, nói. Ayu bồn chồn bởi đã quen làm việc cả ngày, nay trở nên nhàn rỗi.

Cô từng là người giúp việc cho một gia đình ở Arab Saudi. Năm ngoái, cô trở về nước để chăm sóc mẹ già.

Ayu cố tìm việc để giữ mình bận rộn, nhưng các chủ nhà hàng chỉ muốn thuê người trẻ. Với kinh nghiệm sẵn có, cô có thể làm giúp việc gia đình ở Indonesia, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc rời làng đến Jakarta và xa mẹ lần nữa.

Ayu Rosita ở ngoại ô Jakarta, Indonesia. Ảnh: CNA
Ayu Rosita ở ngoại ô Jakarta, Indonesia. Ảnh: CNA

Khó khăn của Ayu không hiếm. Nhiều lao động nhập cư trở về sau thời gian dài ở nước ngoài chật vật tái hòa nhập, đối mặt với cô lập, lo âu và thậm chí trầm cảm.

Trong 5 năm qua, các tổ chức và nhóm lao động nhập cư đã thành lập các mạng lưới hỗ trợ. Tuy nhiên, những người trở về vẫn đối mặt với cơ hội việc làm hạn chế, lý do khiến họ ra nước ngoài ngay từ đầu.

Chính phủ Indonesia và Philippines đang nỗ lực cam kết hỗ trợ bằng tiền mặt, vay ưu đãi, chương trình khởi nghiệp và đào tạo kỹ năng. Tuy nhiên, những giải pháp đó là chưa đủ.

Bốn năm trước, Faye Miranda để lại ba cậu con trai ở Rodriguez, vùng ngoại ô Manila (Philippines) để đi lao động. Chồng cô là công nhân xây dựng, không thể tìm được việc làm trong giai đoạn cao điểm của Covid-19.

Khi cô đang làm giúp việc ở Kuwait thì nhận tin con trai giữa, bé Jerome, ở quê lâm bệnh nặng. Cô lập tức trở về và đến thẳng bệnh viện từ sân bay vào ngày 9/3/2023 nhưng cậu bé đã rơi vào hôn mê. "Đó là nỗi đau lớn đối với tôi", cô nói. "Tôi đi làm xa để lo cho con, để chúng có cuộc sống tốt hơn, được học hành".

Jerome được chẩn đoán xuất huyết não và qua đời chỉ bốn ngày sau đó, khi tròn 14 tuổi. Nỗi đau mất con và cảm giác tội lỗi khiến Miranda nhanh chóng rơi vào trầm cảm, phần lớn thời gian chỉ nằm trên giường và khóc.

Vài năm sau, Miranda được mời đến buổi chia sẻ cho nhóm cựu lao động nhập cư tổ chức. Ở đó, cô tìm thấy sự an ủi khi kể câu chuyện của mình với những người có chung trải nghiệm.

Nhóm cựu lao động nhập cư Sandigan ra đời năm 2020, khi đại dịch buộc nhiều lao động Philippines hồi hương do mất việc hoặc lo sợ bị mắc kẹt. Ở Indonesia, các nhóm hỗ trợ đa số cũng hình thành trong giai đoạn này.

"Nhiều nhóm khởi đầu từ những buổi gặp gỡ bạn bè, hàng xóm", ông Wahyu Susilo, giám đốc tổ chức hỗ trợ lao động nhập cư Migrant Care, nói.

Hình ảnh về con trai của Faye Miranda được cô giữ trong điện thoại. Ảnh: CNA
Hình ảnh về con trai của Faye Miranda được cô giữ trong điện thoại. Ảnh: CNA

Làng Dadap ở phía tây Java, ngoại ô Jarkata có gần 80% hộ gia đình từng có người đi lao động nước ngoài. Elly Kusumah, quản lý tổ chức trao quyền cho lao động nhập cư, cho biết nhiều lao động hồi hương gặp khó thích nghi khi trở về.

Một số bị chế giễu vì nói giọng Malaysia, số khác chật vật kết nối lại với con cái sau thời gian dài xa cách. "Những đứa trẻ thiếu tình yêu thương và sự quan tâm từ cả cha lẫn mẹ, chúng thường học kém, thiếu kỹ năng xã hội", cô nói. Nhiều gia đình có người đi xuất khẩu lao động tan vỡ vì ngoại tình.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), quá trình di cư giúp người lao động tiếp thu kỹ năng, kinh nghiệm và chuẩn mực mới, làm phong phú cuộc sống. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra khoảng cách giữa con người họ hiện tại và hình ảnh mà cộng đồng từng biết trước khi họ rời đi, khiến việc hòa nhập trở nên khó khăn.

Để hòa nhập, lao động hồi hương cần chứng minh họ vẫn có thể đóng góp. Nhờ gần 20 năm tiết kiệm khi làm việc ở Malaysia, Ari Yulianto đã mở trang trại nấm ở gần Jarkata.

Hiện, trang trại của Ari sản xuất một tấn nấm mỗi tháng, mang lại lợi nhuận 913 USD, gấp đôi thu nhập khi anh còn làm việc ở Malaysia. Nhờ đó, anh có thể nuôi gia đình và thuê hai nhân viên toàn thời gian.

Tuy nhiên, không phải lao động nhập cư nào cũng tích lũy đủ vốn để khởi nghiệp. Kiến thức tài chính hạn chế cùng áp lực chi tiêu từ gia đình, bạn bè khiến nhiều người không thể tiết kiệm hoặc rơi vào nợ nần.

Nghiên cứu năm 2019 của IOM cho thấy 31% lao động nhập cư Đông Nam Á không có thay đổi trong khoản tiết kiệm sau khi về nước, 21% còn bị giảm tiền tiết kiệm trong khi 17% mang nợ.

Ngọc Ngân (Theo CNA)

Link nguồn:

Tags:
Ông Trump tuyên bố mức thuế 25% gây chao đảo ngành ô tô

Ông Trump tuyên bố mức thuế 25% gây chao đảo ngành ô tô

Mức thuế quan 25% đối với ô tô và xe tải nhẹ nhập khẩu có hiệu lực vào tuần tới. Tuyên bố của ông Trump tiếp tục khiến ngành ô tô chao đảo, thúc đẩy căng thẳng thương mại toàn cầu.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất