Những ngày nghỉ hưu của mẹ chồng Nga ở Việt Nam
Hơn 70 năm gắn bó với thành phố biển Sochi (Nga), bà Avdeeva Valentina chưa từng nghĩ tuổi xế chiều của mình lại neo đậu ở một đất nước nhiệt đới xa xôi.
08:39 11/04/2025
Nhưng ở tuổi 78, bà đang tận hưởng những ngày hưu trí "bận rộn trong hạnh phúc" cùng gia đình con trai và những người bạn Việt Nam mới quen.
Giữa tháng 3, trong căn hộ nhỏ ở TP Thủ Đức, bà Valentina cùng con dâu Đỗ Kiều, 34 tuổi, sửa soạn bữa cơm chiều. Hơn một năm ở Việt Nam, bà vẫn giữ thói quen dùng nĩa khi ăn cơm Việt, nhưng đã biết bày biện một "mâm cơm kiểu Việt tiêu chuẩn" với bát nước mắm ớt đặt giữa, canh cá chua đặt cạnh đĩa rau sống.
Xong bữa, bà ở lại dạy tiếng Nga cho cô cháu gái rồi về căn hộ riêng cách đó chỉ vài phút đi bộ. "Mỗi ngày của tôi đều trôi qua trong bầu không khí gia đình ấm áp như vậy," bà chia sẻ.

Cuộc sống hiện tại là điều bà Valentina không hề dự tính. Sau khi nghỉ hưu ở Sochi, bà sống một mình bên bờ Biển Đen. Kế hoạch của bà là sẽ vào viện dưỡng lão khi không thể tự chăm sóc. Con trai duy nhất của bà, anh Avdeev Roman, đã sang TP HCM làm việc từ năm 2010, kết hôn với chị Kiều và chọn nơi này làm quê hương thứ hai.
Ở Sochi, mùa hè ngắn ngủi còn mùa đông dài và lạnh giá. Cái lạnh khắc nghiệt khiến những cơn đau khớp tuổi già của bà Valentina thêm phần dai dẳng, nhất là khi chỉ có một mình.
Hình ảnh người mẹ chồng đơn độc tuổi ở xế chiều khiến chị Kiều canh cánh trong lòng. "Mẹ chồng cũng là mẹ mình nên tôi muốn được chăm sóc bà theo cách mà người Việt vẫn làm", chị Kiều tâm sự.
Chị và chồng tha thiết mời bà sang Việt Nam sống. Nhưng hành trình thuyết phục kéo dài 10 năm. Bà Valentina ngần ngại trước viễn cảnh bắt đầu lại ở một nền văn hóa, ngôn ngữ hoàn toàn xa lạ.
Bước ngoặt đến vào dịp Tết Nguyên đán 2023, Valentina sang TP HCM thăm con cháu. Gia đình tổ chức một buổi tiệc ấm cúng, tạo điều kiện cho bà và cháu gái gần gũi hơn. Trong không khí vui vẻ đó, chị Kiều lại một lần nữa ngỏ lời. Lần này, sự chân thành của con dâu, niềm vui đoàn tụ và có lẽ cả sự tò mò về cuộc sống mới đã khiến bà xiêu lòng.
Một năm sau, bà đồng ý sang Việt Nam với điều kiện thuê một căn hộ riêng trong cùng khu chung cư để giữ sự độc lập.
Những ngày đầu ở Việt Nam là một thử thách thực sự, khác xa những gì bà tưởng tượng. "Trong ba tháng đầu, có hơn chục lần tôi định xách vali về nước," bà nhớ lại.
Trở ngại đầu tiên là sự chênh lệch múi giờ tới bốn tiếng, khiến đồng hồ sinh học của bà hoàn toàn đảo lộn. Căn hộ hướng đông đón nắng sớm của bà luôn phải kéo rèm kín mít.
Quen sống ở xứ lạnh hơn 70 năm, bà chật vật với khí hậu nóng ẩm của TP HCM. Do sốc nhiệt, da bà thường xuyên bị kích ứng, nổi mẩn đỏ, khô và nứt nẻ. Chỉ cần đi bộ một vòng công viên là mồ hôi đã túa ra như tắm.
Ẩm thực cũng là một rào cản lớn. Dù các con cố gắng xen kẽ thực đơn ba bữa món Nga, ba bữa món Việt mỗi tuần, bà vẫn khó làm quen. Vị giác đã quen với khoai tây, bánh mì đen, súp củ cải đỏ giờ phải tập thích nghi với cơm trắng, các món kho đậm vị, rau xào và những loại gia vị đôi khi khá nồng. Bà từng rất ngạc nhiên khi thấy người Việt ăn cả da, gân và xương heo – những phần thường bị bỏ đi ở Nga. Hậu quả là bà sụt hơn 5 kg sau ba tháng đầu.
Văn hóa ứng xử cũng khiến bà lúng túng. Lần đầu được các con đưa sang nhà bà sui chơi, bà đã sững người khi được bà sui niềm nở ôm chào rồi thân mật chạm vào má – một cử chỉ rất lạ lẫm với người Nga. Anh Roman phải vội giải thích đó chỉ là cách người Việt thể hiện sự quý mến.
Hay những lần bà bị đau khớp, phải vịn tay vào thành cầu thang bước từng bậc khó nhọc. Một bác bảo vệ lớn tuổi trong chung cư thường chạy đến đỡ, nhưng bà lại bối rối, xua tay từ chối vì không quen được giúp đỡ theo cách đó.
Đỉnh điểm của sự khó khăn là một lần bà bị ngộ độc thức ăn, tiêu chảy suốt đêm. Bà gọi các con sang, giọng quả quyết: "Mẹ không sống nổi ở đây nữa, mẹ phải về Nga thôi". Lúc đó, anh Roman tìm cách "hoãn binh" thuyết phục mẹ cố gắng thêm vài tháng, vì tiền thuê nhà đã đặt cọc cả năm.
"Nhưng lý do lớn hơn giữ tôi ở lại là con bé cháu nội. Nó quấn quýt bà lắm, tôi không nỡ rời đi," bà Valentina nói.
Chứng kiến những khó khăn của mẹ, vợ chồng chị Kiều càng nỗ lực tìm cách "giữ chân" bà. Dù chỉ có thể giao tiếp với mẹ chồng qua Google Dịch hoặc bằng cử chỉ, Kiều vẫn kiên nhẫn đưa bà đi khắp các cửa hàng để tìm được bộ quần áo vừa vặn với vóc dáng to lớn hơn người Việt của bà. Chị cẩn thận ghi lại danh sách những món ăn bà bị dị ứng để tránh. Khi da mẹ nổi mẩn vì thời tiết, chính tay Kiều lại nhẹ nhàng bôi thuốc.
"Nhiều lúc nhìn con dâu chăm sóc mình, nước mắt tôi cứ chảy dài vì xúc động," bà Valentina nghẹn ngào.

Bước ngoặt thực sự đến vào một buổi sáng, khi bà dạo bộ dưới sân chung cư và thấy một nhóm hơn chục người cao tuổi đang cùng nhau tập dưỡng sinh. Đây là điều bà chưa từng thấy ở Nga. Tại Sochi, bà thường chỉ đi bộ một mình ra bờ biển rồi về nhà. Bạn bè của bà cũng vậy, họ ít khi tụ tập trò chuyện hay sinh hoạt cộng đồng sôi nổi như thế này.
Bà nhờ con dâu dẫn đến làm quen. Ban đầu, sự xuất hiện của "bà Tây" thu hút nhiều chú ý. Mọi người niềm nở tiến đến bắt tay, hỏi chuyện, thậm chí xin chụp ảnh cùng khiến bà ngạc nhiên. Có người còn dúi vào tay bà cái bánh, viên kẹo. Bà ngần ngại không dám nhận, mãi đến khi Kiều giải thích đó là cách họ thể hiện sự quý mến, bà mới hiểu.
Dần dà, bà trở thành thành viên quen thuộc của nhóm dưỡng sinh. Bà đặc biệt thích thú với triết lý "bán anh em xa, mua láng giềng gần" hay "hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau" của người Việt. Mỗi sáng, bà lại tự tay làm món bánh crepe kiểu Nga mang xuống sảnh mời mọi người cùng ăn. Đáp lại, bà nhận được những nụ cười ấm áp, những lời thăm hỏi chân tình và cả những món quà quê giản dị. Ngày của bà Valentina dần trở nên bận rộn và ngập tràn niềm vui.
Để mẹ chồng có thêm người bầu bạn, chị Kiều còn đón mẹ ruột từ Bình Dương lên ở cùng. Hai bà thông gia, một người nói tiếng Việt, một người nói tiếng Nga nhưng vẫn trò chuyện rôm rả suốt cả ngày qua Google dịch.
"Cứ thế, tôi đã phải lòng Việt Nam lúc nào không hay," bà Valentina thừa nhận.
Quan sát cuộc sống xung quanh, bà nhận ra người cao tuổi Việt Nam rất hạnh phúc vì luôn được sống trong sự quan tâm của con cháu và sự gắn kết của cộng đồng. Ngược lại, những người bạn Việt Nam lại ngưỡng mộ bà bởi sự độc lập ở tuổi gần 80. Mỗi sáng, bà vẫn tự lên danh sách những việc cần làm, những thứ cần mua. Khi đau ốm cần đi khám, bà tự gọi xe đến bệnh viện. Bà còn tự tay sửa những món đồ lặt vặt trong nhà như bóng đèn hay kệ gỗ.
Sự độc lập, ngăn nắp của bà lại trở thành nguồn cảm hứng con dâu. "Tôi học được ở mẹ rất nhiều, từ cách sắp xếp cuộc sống khoa học đến sự tỉ mỉ," chị Kiều chia sẻ.
Hơn một năm ở Việt Nam, bà Avdeeva Valentina đã tìm thấy một nhịp sống mới, một sự cân bằng giữa việc hòa nhập văn hóa bản địa và giữ gìn bản sắc, cá tính của riêng mình.
"Điều cốt lõi làm nên hạnh phúc vẫn là được sống theo cách của mình - tự chủ, độc lập dù ở bất cứ đâu", bà nói.
Ngọc Ngân
Link nguồn:

Tổng thống Trump ký sắc lệnh cải cách vòi hoa sen vì mái tóc đẹp?
Trong bối cảnh những biến động toàn cầu do các sắc lệnh thuế quan của Tổng thống Trump gây ra, ông lại quyết định tập trung vào một vấn đề đặc biệt hơn: cải cách vòi hoa sen của nước Mỹ.