Những cú sốc của Việt kiều về nước làm việc
Hai ngày sau khi nhận việc ở Việt Nam, Alex Huỳnh ngạc nhiên khi nhân viên dùng bảng khảo sát 50 câu in trên giấy, viết tay rồi chuyển cho bộ phận nhập liệu.
18:28 21/07/2025
Thấy quy trình quá thủ công, anh đề xuất chuyển sang thiết bị số để khảo sát nghiên cứu thị trường. Nhưng quản lý cho biết nếu xây hệ thống này cần hai tuần và tốn khoảng 10.000 USD. Ở Việt Nam, thuê người nhập liệu 1.000 mẫu trong hai ngày chỉ mất hai triệu đồng (80 USD).
Lúc này anh nhận ra ở Australia tiền công một giờ lao động là 50 USD, doanh nghiệp buộc phải áp dụng công nghệ để tiết kiệm chi phí. "Cùng một bài toán, nhưng cách giải sẽ khác nhau, tùy vào bối cảnh", Alex Huỳnh nói.
Sinh ra và lớn lên ở TP HCM, 15 tuổi Alex Huỳnh du học Australia. Anh đã có bằng thạc sĩ, từng quản lý quỹ đầu tư trước khi chuyển sang Ngân hàng Quốc gia Australia.
Sau hơn 10 năm làm việc ở nước ngoài, Alex nhận ra môi trường quá ổn định, mức độ cạnh tranh thấp, cơ hội phát triển hạn chế, đặc biệt với người nhập cư. Trong giới tài chính, anh còn gặp tình trạng "bamboo ceiling" - rào cản vô hình trong văn hóa và hệ thống khiến người gốc Á khó thăng tiến, dù có năng lực.
Trong khi đó, anh luôn khao khát trở về để đóng góp cho Việt Nam, nơi luôn tạo cho anh cảm giác "mình thuộc về nơi này". Giữa năm 2016, Alex nộp đơn vào một công ty tài chính tại quận 1, TP HCM. Anh chỉ có hai ngày chuẩn bị, kết thúc công việc ở Australia vào thứ 6 và bắt đầu việc mới ở Việt Nam vào thứ 2. "Tôi nghĩ đã hiểu văn hóa của đất nước mình, nên không cần chuẩn bị nhiều", anh nói.
Nhưng Alex nhận ra mình đã sai sau khi gặp những cú sốc.
Đầu tiên là văn hóa giờ giấc. Ở Australia, mọi nhân viên rời văn phòng lúc 17h, nếu phải làm thêm mọi người được trả công, kèm theo tiền taxi hoặc bữa tối. Suốt 10 năm làm ở nước ngoài, anh chưa từng mang việc về nhà. Ngược lại, ở Việt Nam, làm ngoài giờ là bình thường.
"Nhân viên ở Việt Nam làm rất nhiều nhưng ít khi đòi quyền lợi", anh nói. Hiệu quả đôi khi được đo bằng thời gian hiện diện ở văn phòng, theo tư duy "càng bận càng có năng lực".
Tiếp theo là khác biệt trong văn hóa góp ý. Trong vài buổi họp đầu, anh bị nhắc nhở là cần tiết chế vì cách tranh luận, phản biện quá thẳng, dù không có ý công kích. Dần dần, anh hiểu rằng nhiều người thường tránh đặt câu hỏi vì sợ bị đánh giá là thiếu năng lực, chọn cách nói khéo hoặc đoán ý nhau thay vì trao đổi thẳng thắn.
Nửa năm đầu sau khi về nước, Alex thường gặp gỡ bạn bè là Việt kiều từ Mỹ, Canada, Australia đang làm việc tại Việt Nam. Anh nhận ra trải nghiệm của mình khá giống họ.
Hiện tượng này được gọi là reverse culture shock (sốc văn hóa ngược) xuất hiện ở người từng sống lâu ở nước ngoài gặp khó khăn trong việc tái hòa nhập với chính quê hương mình.
Nghiên cứu "Vietnamese Graduate International Student Repatriates: Reverse Adjustment" (Sự tái thích nghi của du học sinh Việt Nam) do Đại học Nebraska (Mỹ) thực hiện cho thấy hầu hết du học sinh gặp nhiều khó khăn khi trở về nước, dù trước đó từng sống lâu tại Việt Nam. Các nhà nghiên cứu nhận định quá trình tái hòa nhập còn khó hơn cả việc thích nghi với môi trường Mỹ.
Anh Alex Huỳnh ở hội thảo tại quận 1, TP HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nghiên cứu của thạc sĩ Doãn Thị Ngọc, giảng viên Đại học Hoa Sen, TP HCM ước tính khoảng 70% sinh viên gặp phải sốc văn hóa ngược khi điều chỉnh lại cuộc sống ở quê nhà.
Bà lý giải "sốc văn hóa ngược" xuất phát từ việc người trở về phải điều chỉnh lại thói quen, cách nghĩ và hành vi đã hình thành trong thời gian dài sống ở nước ngoài. Trong thời gian họ đi học, sinh sống ở nước ngoài, môi trường xã hội, cách giao tiếp, thậm chí cả hệ giá trị tại Việt Nam có thể đã thay đổi, hoặc không còn phù hợp với những trải nghiệm và quan điểm mới của họ. Chính sự đối lập giữa những gì từng quen thuộc trong quá khứ và thực tế hiện tại tạo nên cảm giác bỡ ngỡ, cô lập.
"Tâm lý này tạo ra cảm giác lạc lõng, bất an và tự cô lập ở nhiều người trở về", bà Ngọc nói. Việc thiếu hỗ trợ và chiến lược tái hòa nhập khiến nhiều người cảm thấy trì trệ, thậm chí thụt lùi so với chính mình trước đó.
Thủy Tiên, 30 tuổi, trở về Việt Nam làm việc cho một công ty khởi nghiệp ở Hà Nội từ giữa năm 2020 sau thời gian dài sống tại Mỹ.
Cô cảm thấy sốc ngay tuần đầu khi thấy công ty phân cấp rõ ràng giữa sếp và nhân viên, có thói quen nghỉ trưa, ngủ trưa, và thường tổ chức nhậu trong những ngày lễ lớn hoặc ngày kỷ niệm. Đồng thời, việc bàn công việc trên bàn nhậu khiến cô khó có thể quen được.
"Tôi nhận ra mỗi môi trường có cách vận hành, giao tiếp riêng và cố gắng ghi nhận sự khác biệt này", cô nói. Tuy nhiên, khi chứng kiến việc người khác lấy ngày công làm thành tích, cô cảm thấy môi trường không còn hiệu quả và chọn rời đi.
Giữa 2025, cô trở lại Mỹ du học. Theo cô, cuộc sống ở nước ngoài đã ổn định nhưng môi trường Việt Nam đang tăng trưởng mạnh nên sẽ cần chạy nhanh hơn. "Cách hiệu quả nhất là nhìn lại bản thân, nhận diện điểm mạnh điểm yếu, tránh kỳ vọng cao và sẵn sàng thay đổi", cô rút ra bài học.
Bà Doãn Thị Ngọc cho rằng không có công thức cố định để vượt qua "sốc văn hóa ngược", nhưng những người trở về có thể chủ động thích nghi bằng cách tập trung vào hiện tại, duy trì thói quen cũ, thiền, đi bộ, viết lách và kết nối xã hội.
Việc ứng dụng kỹ năng quốc tế, kể cả ngôn ngữ, vào công việc và cuộc sống giúp tạo cảm giác đóng góp và làm mới bản thân. Khi thấy hoang mang hoặc thất vọng, hãy tự nhắc về những thành quả, giá trị và bản lĩnh từng có khi sống ở nước ngoài.
Đồng thời, việc giao lưu với người cùng trải nghiệm, chia sẻ văn hóa qua viết blog, nhật ký hoặc tham gia dự án cộng đồng cũng là cách tạo ý nghĩa mới. Khi thấy quá tải, họ cần kết nối với người từng trải, chia sẻ trải nghiệm, tìm đến gia đình hoặc chuyên gia hỗ trợ.
Riêng Alex, anh cho biết từng chứng kiến nhiều Việt kiều trở thành quản lý cấp cao, khởi nghiệp hoặc đầu tư tại Việt Nam. Dù trải qua sốc văn hóa, họ đều nhìn thấy cơ hội trong một nền kinh tế tăng trưởng nhanh. Anh lấy ví dụ, 10 năm trước, làm một thẻ ngân hàng là cả quá trình, nay chỉ mất chưa tới 30 phút.
Tuy nhiên, để thật sự thành công, anh cho rằng phải sống và nghĩ như một người Việt Nam.
"Hòa nhập văn hóa là điều bắt buộc", anh nói. "Tôi chưa bao giờ hối hận khi trở về".
Theo Vnexpress
Link nguồn:

Võ sư Mỹ kiện hãng bay vì bị tiếp viên làm đổ cà phê vào mắt
Huấn luyện viên Judo của đội tuyển Mỹ bị suy giảm thị lực vĩnh viễn ở mắt phải sau khi một tiếp viên hàng không làm rơi ấm cà phê nóng, bắn vào mặt anh.