Người Mỹ phản ứng trái chiều với thuế đối ứng của ông Trump
Một số người Mỹ tin rằng thuế đối ứng của ông Trump sẽ giúp đất nước "vĩ đại trở lại", số khác lo ngại chính sách này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng và doanh nghiệp trong nước.
21:42 03/04/2025
"Đây chắc chắn là hành động chính sách kinh tế và thương mại vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ, giúp củng cố di sản của Tổng thống Donald Trump khi ông tìm cách mở ra kỷ nguyên hoàng kim cho sản xuất kinh tế và thịnh vượng", Nick Iacovella, phó chủ tịch điều hành Liên minh Nước Mỹ Thịnh vượng, phát biểu sau khi ông Trump ngày 2/4 công bố mức thuế quan chung và bảng thuế đối ứng với hơn 180 đối tác thương mại trên thế giới.
Theo sắc lệnh của ông Trump, toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 5/4 sẽ chịu thuế 10%. Sau đó, kể từ ngày 9/4, các đối tác thương mại sẽ chịu mức thuế đối ứng cao hơn, lên tới 50%.
Một số người Mỹ bày tỏ vui mừng với quyết định áp thuế của ông Trump, cho rằng nó đã bị trì hoãn quá lâu. Kevin Dempsey, chủ tịch Viện Sắt thép Mỹ, cảm ơn Tổng thống Trump "đã đứng lên vì người lao động Mỹ".
"Các nhà sản xuất thép đã quá quen với những tác động tiêu cực từ các hành động thương mại bất bình đẳng của nước ngoài lên hoạt động sản xuất và người lao động trong nước", Dempsey nói.
John Williams, giám đốc điều hành Liên minh Tôm miền Nam, có chung quan điểm. Ông hoan nghênh chính quyền ông Trump hành động để bảo vệ việc làm, an ninh thực phẩm Mỹ.
Chủ tịch Ủy ban Thuế vụ Hạ viện Jason Smith, thành viên đảng Cộng hòa, lạc quan rằng chính sách thuế của ông Trump sẽ là công cụ hiệu quả để hạn chế những hành vi lạm dụng thương mại từ đối tác của Mỹ.
"Chính sách này dựa trên sức mạnh của thị trường lớn nhất thế giới nhằm thiết lập sân chơi bình đẳng cho nông dân, công nhân và nhà sản xuất của Mỹ", ông Smith nói.
Nhưng động thái áp thuế chưa từng có này đã vấp phải sự chỉ trích từ các tổ chức, chuyên gia kinh tế, thương mại và thành viên đảng Dân chủ. Họ cho rằng chính sách của ông chủ Nhà Trắng sẽ làm tăng giá hàng tiêu dùng tại Mỹ, khiến người dân nước này phải chi trả nhiều hơn và tăng trưởng kinh tế chững lại.
"Đây là thảm họa với các hộ gia đình Mỹ", Matt Priest, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành hiệp hội Các nhà bán lẻ và phân phối giày dép Mỹ, nói. "Chúng tôi từng hy vọng Tổng thống sẽ chọn cách tiếp cận có mục tiêu cụ thể hơn. Bảng thuế quan này sẽ đẩy chi phí tăng, giảm chất lượng sản phẩm và làm suy yếu niềm tin người tiêu dùng".

Sau khi nhậm chức hồi tháng 1, ông Trump nhiều lần cho rằng Mỹ bị các đối tác thương mại đối xử bất công, cảnh báo sẽ sử dụng thuế quan để khắc phục tình trạng này. Theo Oxford Economics, đánh giá ban đầu cho thấy thuế suất sẽ tăng lên cao nhất kể từ những năm 1930, vượt xa kịch bản tệ nhất mà công ty tư vấn này từng dự báo.
"Ngay cả khi thuế quan được thương lượng và giảm bớt, thông báo ngày 2/4 cho thấy kịch bản cơ sở hồi tháng 3 của chúng tôi vẫn là quá lạc quan", Ryan Sweet, kinh tế gia trưởng về Mỹ tại Oxford Economics, nói với Al Jazeera.
Giới chuyên gia kinh tế dự báo người dân Mỹ sẽ phải chịu "đau đớn", ít nhất là trong ngắn hạn, với tác động từ đòn thuế này, trong đó nhóm có thu nhập thấp sẽ bị tác động mạnh nhất. Gary Shapiro, giám đốc điều hành Hiệp hội Người tiêu dùng công nghệ Mỹ, mô tả áp thuế đối ứng không khác gì "tăng thuế với Mỹ, khiến lạm phát gia tăng, việc làm giảm và nguy cơ đẩy Mỹ vào suy thoái".
"Người Mỹ sẽ nghèo hơn vì những loại thuế này", ông Shapiro nói với CBS News.
Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ cho biết chính sách thuế quan mới "khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp lo lắng như nhau". Các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ là bên chịu thuế, không phải bên cung ứng nước ngoài.
Michelle Korsmo, CEO Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia, lo ngại thuế đối ứng khiến ngành này bị gián đoạn. Bên bán sẽ buộc phải chuyển chi phí đầu vào tăng thêm cho người tiêu dùng bằng cách tăng giá bán.
Michael Cervantes, chủ nhà hàng Banks Alehouse ở bang Alaska, nói chính sách thuế sẽ khiến lợi nhuận ròng của nhà hàng giảm hơn nữa. Ông không thể tăng giá bán quá nhiều, vì Banks Alehouse vốn phục vụ các món ăn bình dân, hợp túi tiền.
"Tôi không thể cứ thế mà nói rằng 'burger của tôi giá 25 USD'. Khách hàng sẽ không chi tiền cho món đó", Cervantes nói. "Ông Trump đang khiến chúng tôi thiệt hại thêm một phần".
Ngoài thực phẩm, những mặt hàng khác như quần áo, năng lượng và đồ điện tử cũng đối mặt xu hướng tương tự.
"Chúng tôi gọi đây là thuế thoái trào, vì nó đẩy các gia đình xuống đáy nhiều hơn là đưa họ lên đỉnh cao", Ernie Tedeschi, giám đốc kinh tế tại Yale Budget Lab, trả lời USA Today. Hộ gia đình thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng hơn, vì tỷ lệ chi tiêu trên thu nhập của họ cao hơn.
Số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố cuối tuần trước cho thấy người tiêu dùng nước này đã có hành động để chuẩn bị đối phó tác động tiềm ẩn từ chính sách thuế quan. Họ tiết kiệm tiền, hạn chế chi tiêu không cần thiết như ăn nhà hàng hay du lịch.
Người tiêu dùng Mỹ hồi tháng 2 tăng chi tiêu cho hàng hóa, phản ánh xu hướng mua trước các sản phẩm cần thiết trước khi giá bán bị thuế quan ảnh hưởng.
Exiger, công ty lập bản đồ chuỗi cung ứng, ước tính thuế đối ứng của ông Trump vừa công bố tương đương 600 tỷ USD, mô tả đây là "sự thay đổi chính sách to lớn sẽ định hình lại nguồn cung ứng, giá cả và chiến lược địa chính trị".

Trong tuyên bố ngày 2/4, Tổng thống Trump cho rằng các chuyên gia đều đã sai về chính sách thuế của ông và nỗi lo về chúng đã bị đặt nhầm chỗ. Ông Trump cũng gửi đi thông điệp rõ ràng đến các công ty phản đối chính sách thương mại của mình.
"Nếu các bạn muốn thuế 0%, vậy thì hãy sản xuất tại Mỹ. Ở đây không phải chịu thuế", ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng.
Như Tâm (Theo CNN, Reuters, CBS News, USA Today)
Link nguồn:

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an nghiên cứu cơ chế mua thẻ cư trú tại Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 06 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chủ động thích ứng linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với tình hình thế giới, khu vực nhằm đạt được các mục tiêu tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong năm 2025 và những năm tiếp theo.