Người Mỹ gom mua mỹ phẩm Hàn Quốc

Lo thuế khiến hàng hóa tăng giá, nhiều người tiêu dùng ở Mỹ săn tìm các sản phẩm làm đẹp của Hàn Quốc.

14:28 22/04/2025

Trong chuyến đi Hàn Quốc hôm 17/4, du khách Mỹ Jonathan Ko, 34 tuổi, đã chi 500.000 won (350 USD) mua kem chống nắng, mặt nạ, kem dưỡng tại cửa hàng Olive Young ở Seoul cho bản thân và tặng bạn bè.

Trước đây, người đàn ông sống ở Los Angeles, bang California thường đặt mua các sản phẩm này trên mạng. Nhưng lo ngại mức thuế quan đẩy giá mọi thứ lên cao, anh cho rằng đây là thời điểm tốt nhất để tích trữ.

Anh Jonathan Ko, quốc tịch Mỹ đã mua các sản phẩm chăm sóc da trị giá 500.000 won tại Hàn Quốc. Ảnh: WENDY TEO
Anh Jonathan Ko, quốc tịch Mỹ đã mua các sản phẩm chăm sóc da trị giá 500.000 won tại Hàn Quốc. Ảnh: WENDY TEO

Theo truyền thông Mỹ, người tiêu dùng đang gom mỹ phẩm Hàn Quốc sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế mới ngày 2/4.

Báo cáo của Washington Post ngày 10/4 dẫn dữ liệu mạng xã hội cho thấy kem chống nắng Hàn Quốc nằm trong danh sách mặt hàng người Mỹ "cuống cuồng" thêm vào giỏ hàng online. Tạp chí Atlantic, Allure, Vogue cũng phân tích tác động của thuế quan đến ngành làm đẹp.

Trên Reddit, kem chống nắng Hàn Quốc đặc biệt được ưa chuộng và xếp hạng cao trong các chủ đề thảo luận về mua sắm trước khi tăng giá. Nhiều người tích trữ sản phẩm này vì công thức mỏng nhẹ, hiệu quả vượt trội hơn mặt hàng của Mỹ.

Tình trạng mua sắm ồ ạt diễn ra trong bối cảnh Hàn Quốc bị Mỹ áp mức thuế trả đũa 25%. Tuy nhiên Mỹ đã tạm dừng chính sách này với hầu hết nước, trừ Trung Quốc, trong 90 ngày đến hết 8/7.

Theo Bộ Thương mại Hàn Quốc, xuất khẩu mỹ phẩm đạt kỷ lục 10,2 tỷ USD năm 2024, tăng trưởng hơn 20% mỗi năm từ 2020. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai, sau Trung Quốc.

Một báo cáo do Samsung Securities công bố tháng 1/2025 dự đoán doanh số thương mại điện tử tăng trưởng 43% chỉ riêng đối với các sản phẩm kem chống nắng do Hàn Quốc sản xuất.

Tờ Korea Herald đưa tin hôm 17/4 cho biết hai nhà sản xuất lớn của Hàn Quốc là Kolmar Korea và Cosmax đang tăng gấp đôi hoặc gấp ba công suất nhà máy tại Mỹ để né tránh các biện pháp thuế quan.

Ở Seoul, hai nhà sản xuất nội địa lớn là LG Household and Health Care và Amorepacific, chưa có nhà máy ở Mỹ, đang theo dõi tình hình trước khi điều chỉnh giá. Đại diện LG (sở hữu The Face Shop, The Whoo) nói thuế quan ảnh hưởng doanh số và họ sẽ phản ứng dựa trên kết quả đàm phán.

Với Amorepacific (sở hữu Sulwhasoo, Laneige, Innisfree), thị trường Mỹ đã vượt Trung Quốc trong năm 2024. CEO Kim Seung-hwan của Amorepacific nói kế hoạch xây nhà máy tại Mỹ trong 5-10 năm tới "cần đẩy nhanh" hơn.

Trong số các sản phẩm K-beauty bán ở Mỹ, kem chống nắng được ưa chuộng nhất .Ảnh: BLOOMBERG
Trong số các sản phẩm "K-beauty" bán ở Mỹ, kem chống nắng được ưa chuộng nhất. Ảnh: BLOOMBERG

Jonathan Ko cho biết giá cao hơn là hậu quả không thể tránh khỏi của chiến tranh thuế quan. "Thật không may, chúng ta ít có lựa chọn nào khác ngoài việc trả nhiều tiền hơn. Mọi người đều chịu ảnh hưởng", anh nói.

Minh Phương (Theo Straitstimes)

Link nguồn:

Tags:
Hơn 23 triệu người Mỹ đối diện kịch bản động đất đáng sợ ở California

Hơn 23 triệu người Mỹ đối diện kịch bản động đất đáng sợ ở California

Mô phỏng từ USGS cho thấy trận động đất mạnh 7,8 độ liên quan tới đường đứt gãy Elsinore có thể ảnh hưởng tới hơn 23 triệu người Mỹ trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất