Người Mỹ đi làm bằng trực thăng để tránh tắc đường
Chỉ với 95 USD, người dân New York có thể gọi trực thăng đón đi làm, nhằm tiết kiệm thời gian và ngắm thành phố từ trên cao.
13:40 27/03/2025
Một chiều cuối tháng 2, Ernesto Tey rời cuộc họp ở phía tây Manhattan, New York, rồi đi bộ đến bãi đáp trực thăng trên Phố 30, ven sông Hudson. Trong lúc chờ chuyến bay Blade lúc 15h đến sân bay quốc tế Kennedy (JFK) anh gọi một ly đồ uống.
Là người đam mê hàng không và làm việc cho một công ty phần mềm, Tey đã sử dụng dịch vụ trực thăng và máy bay thuê chuyến khoảng 30 lần. Chuyến bay kéo dài 9 phút giá từ 95 USD cho hội viên. Còn nếu đi taxi vào giờ cao điểm, cùng quãng đường có thể tốn 60 phút và hơn 100 USD.
"Chúng nhanh, tiện lợi, có thể ngắm toàn bộ thành phố từ độ cao hơn 400 m và giá cả rất phải chăng", Tey nhận xét.

Dịch vụ trực thăng như Blade đang biến phương tiện này từ đặc quyền của giới siêu giàu thành lựa chọn cho bất kỳ ai có nhu cầu di chuyển nhanh. Thuật ngữ "Blading" (đi trực thăng Blade) ngày càng phổ biến, nhất là tại New York, khi ngành này mở rộng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, không phải ai cũng hào hứng. Số đơn khiếu nại về tiếng ồn trực thăng qua đường dây 311 của người dân New York tăng mạnh. Theo dữ liệu của Business Insider, khiếu nại tăng 678% trong hai năm, từ 3.332 trường hợp năm 2019 lên gần 26.000 vào năm 2021, sau đó hơn gấp đôi lên hơn 59.000 vào năm 2023. Năm ngoái, con số này giảm xuống còn hơn 28.000, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch.
Sự gia tăng này diễn ra song song với việc mở rộng dịch vụ trực thăng cá nhân và phương tiện di chuyển cho người đi làm. Ngoài ra, ngành du lịch trực thăng, vốn bị quản lý chặt chẽ, cũng phát triển mạnh, chưa kể đến sự gia tăng đột biến số chuyến bay của lực lượng thực thi pháp luật.
Một phân tích của Hội đồng thành phố New York vào tháng 5/2023 cho thấy các chuyến bay từ Manhattan đến sân bay và các tour du lịch trực thăng từ New Jersey là nguyên nhân chính dẫn đến khiếu nại. Tuy nhiên, chính quyền địa phương, tiểu bang và liên bang chưa có biện pháp kiểm soát quyết liệt.
Nhưng tất cả những điều này cho thấy bầu trời New York đang ngày càng đông đúc hơn. Ngành dịch vụ này trên đà chuyển đổi với sự xuất hiện của các mẫu máy bay điện, được chính phủ liên bang, các nhà hoạch định chính sách và các công ty dịch vụ trực thăng ủng hộ. Họ coi đây là cơ hội để mở rộng "taxi hàng không" và phổ biến hóa phương thức di chuyển theo phương thẳng đứng tại các đô thị.
Đi lại bằng trực thăng không phải là điều mới mẻ ở New York. Trực thăng xuất hiện từ Thế chiến II và những năm 1950, New York Airways từng khai thác dịch vụ bay giá rẻ từ các tòa nhà chọc trời đến sân bay. Tuy nhiên, vụ tai nạn nghiêm trọng năm 1977 đã khiến dịch vụ này mất đi sức hấp dẫn. Dù vậy, bầu trời New York vẫn luôn tấp nập trực thăng du lịch, thuê chuyến và phục vụ cảnh sát, truyền thông, y tế.
Trong thời gian tới, Blade dự kiến mở rộng dịch vụ gọi trực thăng theo yêu cầu.
Giám đốc điều hành Rob Wiesenthal của Blade cho biết doanh thu mảng vận tải hành khách của công ty đã tăng từ 2 triệu USD năm 2014 lên hơn 100 triệu USD vào năm ngoái. Đầu năm nay, Blade triển khai dịch vụ đưa đón sân bay giá 95 USD dành cho người đi làm từ Long Island và New Jersey, quảng bá đây là cách tránh phí tắc nghẽn 9 USD của New York.
"Nếu tính phí đỗ xe 75 USD, phí tắc nghẽn 9 USD và phí cầu đường 13-26 USD, đi trực thăng còn tiết kiệm hơn", Wiesenthal nói. Tuy nhiên, ông không nhắc đến hệ thống tàu điện của thành phố, với giá chỉ 2,90 USD cho chuyến đi từ sân bay.

Với nhiều khách hàng của Blade, việc di chuyển bằng trực thăng để đi làm đã trở nên quen thuộc. Stephanie Fuhrman, nhân viên một công ty phần mềm tại Utah, luôn chọn Blade mỗi khi đến New York để tiết kiệm thời gian ra sân bay JFK.
"Nó giống như đi xe buýt nhưng nhanh hơn, rẻ hơn và không sợ trễ giờ", cô nói.
Nhưng với những người dưới mặt đất, tiếng ồn trực thăng là một vấn đề nghiêm trọng. Giáo sư Nick Shapiro tại UCLA, chuyên nghiên cứu tác động của tiếng ồn trực thăng đến sức khỏe, cho biết âm thanh chói tai và ngắt quãng có thể gây căng thẳng, ảnh hưởng đến tim mạch, quá trình trao đổi chất và thậm chí rút ngắn tuổi thọ. Một nghiên cứu năm 2017 còn liên kết tiếng ồn hàng không với giấc ngủ gián đoạn, nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn và kết quả học tập kém ở trẻ em.
Melissa Elstein, cư dân ở Upper West Side, nhận thấy số lượng trực thăng bay qua căn hộ và công viên trung tâm gia tăng từ năm 2019. Khi biết phần lớn trong số đó phục vụ khách du lịch chụp ảnh tự sướng, cô vô cùng bức xúc.
"Thật điên rồ khi điều này vẫn được phép, đặc biệt là ở một trong những thành phố đông dân nhất và có không phận nhộn nhịp nhất thế giới", cô nói. Vì vậy, Elstein quyết định khôi phục Stop the Chop NY/NJ - một tổ chức vận động siết chặt quản lý trực thăng - với sự ủng hộ từ nhiều thành viên Quốc hội và quan chức địa phương.
Trước áp lực dư luận, một số chính trị gia ở New York đã kêu gọi cấm các chuyến bay trực thăng không thiết yếu trong thành phố. Tuy nhiên, quyền quản lý không phận New York thuộc về chính phủ liên bang, cụ thể là Cục Hàng không Liên bang (FAA).
Dù còn nhiều tranh cãi, ngành giao thông trên không vẫn đang phát triển. FAA đã công bố lộ trình phê duyệt các mẫu trực thăng điện (eVTOL) vào hoạt động thương mại trong năm 2025, với mục tiêu phổ biến rộng rãi vào năm 2028.
Ngay cả những nhà lập pháp từng chỉ trích ngành công nghiệp trực thăng cũng dần có cái nhìn tích cực hơn về eVTOL. Amanda Farías, lãnh đạo đa số Hội đồng Thành phố New York, nhận định: "Taxi điện hàng không đại diện cho đổi mới, bền vững và mở rộng các lựa chọn giao thông của thành phố".
Minh Phương (Theo Insider)
Link nguồn:

Máy bay cấp tập đưa hàng trăm tấn vàng về Mỹ, London có hết vàng?
Hàng trăm tấn vàng đã được chuyển đi từ các hầm vàng London đến New York. Tại sao lại có nhiều vàng được lưu trữ ở London như vậy? Các hầm có còn vàng?