Nghệ sĩ Xuân Hinh: 'Tôi là người đàn ông viên mãn'

Nghệ sĩ Xuân Hinh, 62 tuổi, nhận thấy mình đã sống một cuộc đời ý nghĩa, có gia đình nhỏ đầy tiếng cười, trong hồi ký ''Kẻ chọc cười dân dã''.

09:49 26/07/2025

Ấn phẩm được nghệ sĩ ra mắt hôm 23/7, do tác giả Thanh Thủy, Như Hoa chấp bút từ lời kể của ông. Xuân Hinh cho biết từng nhiều lần từ chối thực hiện cuốn sách về bản thân bởi không biết ''viết như thế nào cho phải''. Giữa năm 2024, ông tiếp tục nhận được lời đề nghị làm hồi ký. Ở thời điểm đã giảm bớt cường độ công việc, nghệ sĩ bắt đầu suy nghĩ kỹ hơn. Khi bão Yagi ập đến, chứng kiến khắp nơi tan hoang, ông nhận ra: ''Những thứ chúng ta từng cho rằng sẽ tồn tại vĩnh cửu lại có thể biến mất chỉ sau một lần chợp mắt. Vậy thứ gì mới có thể ở lại lâu dài, bền bỉ?''. Câu hỏi dần thôi thúc Xuân Hinh quyết định làm sách, không chỉ kể chuyện bản thân mà nhằm tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc, để công chúng hiểu, trân quý di sản của cha ông.

Hồi ký gồm năm phần và phụ lục tác phẩm, hình ảnh, mang đến cái nhìn xuyên suốt về con người, quan điểm sống, làm nghề của nghệ sĩ. Suốt sự nghiệp, Xuân Hinh tự coi bản thân chỉ là ''kẻ chọc cười dân dã'', được ông chọn làm tên sách. Ông thuật lại tuổi thơ khốn khó cùng quá trình gần 50 năm hoạt động nghệ thuật với nhiều dấu ấn.

Ấn phẩm gần 300 trang, do THBooks phát hành. Ảnh: Phương Linh

Sách gần 300 trang, do THBooks phát hành ở hai dạng bìa cứng, bìa mềm. Ảnh: Phương Linh

Nhớ về những ngày thơ ấu, nghệ sĩ đúc kết ''vất vả mà đủ đầy''. Xuân Hinh là con trai trưởng trong bảy anh chị em, trước ông là một chị gái. Để cải thiện cuộc sống, bố mẹ ông xoay xở đủ việc, giúp gia đình tạm được coi là đủ ăn, điều mà nhiều người mơ ước vào những năm 1970. Bố nghệ sĩ vốn là giáo viên nhưng không nề hà ra chợ bán buôn. Mẹ ông ''lúc nào cũng luôn chân luôn tay, không ngại nắng mưa để lo cho gia đình những điều tốt nhất'', hễ xong việc đồng áng lại đi buôn từ tấm mía, lá chè đến làm bánh rán, hái rau muống.

Xuân Hinh sớm có ý thức phụ giúp gia đình, theo mẹ đi buôn từ khi mới 12, 13 tuổi. Ông kể: ''Buổi sáng, khi trời còn nhập nhèm tranh tối tranh sáng, không kể mùa đông rét cắt da cắt thịt hay mùa hè nóng rực, tôi đều dậy rất sớm, lọc cọc trên chiếc xe đạp thồ cao hơn người, mang khi thì quả thị, khi thì các sản vật theo mùa mua từ chợ Núi gần nhà, chở tới chợ Đồn Đò cách mười mấy cây số để bán. Bán hết hàng, tôi lại dùng tiền đó mua tôm, cua, cá, ốc, chở từ chợ Đồn Đò về chợ Núi để kịp bán lại trước khi tan chợ''.

Sinh ra ở thôn Yên Việt, xã Đông Cứu, tỉnh Bắc Ninh, nơi có lễ hội Thập đình, Xuân Hinh lớn lên với những trò chơi dân gian, các tiết mục chèo, quan họ. Dần dần, những làn điệu dân ca ngấm vào ông, như dòng sữa mẹ nuôi lớn cơ thể, tâm hồn nghệ sĩ. Cứ 11h30 hàng ngày, dù đang ở đâu, ông đều cố gắng chạy về nhà để nghe chương trình dân ca và nhạc cổ truyền trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tình yêu nghệ thuật dân tộc đưa Xuân Hinh đến bước ngoặt lớn trong đời. Năm 13 tuổi, ông trúng tuyển đoàn dân ca quan họ Hà Bắc, khiến làng xã tự hào. Sau một thời gian sử dụng điêu luyện các làn điệu, ông nhận ra dù quan họ hay, ca từ ngọt ngào, lối diễn trên sân khấu lại không biến hóa. Nghệ sĩ để ý đến chèo và chuyển sang đoàn chèo Hà Bắc.

Từ khi là một cậu bé đến những năm sau này, Xuân Hinh luôn tâm niệm ''nghệ thuật không phải thứ để chúng ta học thuộc lòng hay bắt chước'', muốn theo đuổi lâu dài thì cần học hành bài bản. Năm 1983, ông thi tuyển vào lớp Chèo, khoa Kịch hát dân tộc, trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. ''Chỉ khi có nền tảng tri thức vững chắc thì nghệ sĩ mới có thể kiên tâm trên con đường hoạt động nghệ thuật'', Xuân Hinh nói. Dù gặp gánh nặng cơm áo gạo tiền, ông không tiếc kinh phí thuê thầy giỏi dạy riêng cho mình, bởi ''đầu tư để có thể lập nghiệp và làm nghề nghiêm túc thì lại càng không cần so đo''.

Xuân Hinh gọi 1988 là ''năm bước ra ánh sáng'', với dấu ấn của màn diễn hề chèo Cu Sứt, giúp ông có thu nhập, danh tiếng. Những năm 1990, một lần bắt gặp nghệ sĩ đánh đàn tam thập lục đầy tài năng nhưng lận đận, ông thương cảm, nghĩ phải tìm cách lưu giữ những thanh âm ấy. Dần dần, Xuân Hinh nhận ra băng đĩa là cầu nối đưa nghệ thuật đến khán giả nhanh hơn.

Việc phát hành thuận lợi đến mức nghệ sĩ được nhiều người đặt cho biệt danh ''vua bán đĩa''. Khi đã ghi lại đủ những thứ thuộc về truyền thống, ông tiếp tục đưa hơi thở thời đại kết hợp giá trị xưa để tiếp cận lớp trẻ, như trong Tùng lò gạch (1995) - tiểu phẩm hài xã hội về đề tài sinh đẻ có kế hoạch, Chồng rượu vợ đề (1997) - phim ngắn về nạn lô đề. Sau đó, ông nghĩ đến chuyện tập hợp các nghệ sĩ và tự tổ chức biểu diễn. Sự nghiệp bầu show của Xuân Hinh cũng đạt nhiều thành công, với các chương trình hút chục nghìn khán giả, chưa có đêm diễn nào phải dừng lại vì yếu tố thời tiết.

Nghệ sĩ Xuân Hinh trong tiểu phẩm Người ngựa, ngựa người, kết hợp người tình sân khấu Thanh Thanh Hiền. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nghệ sĩ Xuân Hinh trong tiểu phẩm ''Người ngựa, ngựa người'', kết hợp ''người tình sân khấu'' Thanh Thanh Hiền. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nổi tiếng song Xuân Hinh không cho phép mình hài lòng với hào quang, luôn nhắc bản thân phải làm mới mỗi ngày. Ngoài 60 tuổi, ông vẫn ý thức ''tuổi tác chưa bao giờ là giới hạn cho sự sáng tạo'', cho rằng ''trách nhiệm của người nghệ sĩ là không được phép dừng lại''. Nhờ vậy, Xuân Hinh có một năm 2024 nhiều dấu ấn mới. Nghệ sĩ tham gia dự án Mùi phở, ra rạp dịp Tết năm sau, đánh dấu lần đầu đóng phim điện ảnh. Hồi tháng 3, ông gây chú ý khi hát, rap trong ca khúc Bắc Bling, kết hợp ca sĩ Hòa Minzy, nhạc sĩ Tuấn Cry.

Nghệ sĩ dành một phần nội dung sách để giới thiệu bảo tàng đạo Mẫu 5.000 m2 ở Sóc Sơn, Hà Nội. Xuân Hinh tâm niệm cuộc đời cho mình nhiều thứ, dù đó là sự nghèo khó hay những lúc mệt mỏi, muốn đem mọi điều bản thân có được nhằm phụng sự lại xã hội. Đó là cội nguồn đưa ông đến ý tưởng xây dựng công trình, nơi không chỉ thờ phụng Mẫu mà còn lưu giữ, trưng bày những hiện vật liên quan tín ngưỡng thờ Mẫu, văn hóa dân gian để truyền dạy cho thế hệ kế thừa.

Ở lời kết, Xuân Hinh nhận thấy bản thân được trải nghiệm cuộc đời đầy màu sắc, cảm xúc, là người đàn ông viên mãn. Suốt sự nghiệp, nghệ sĩ được nhiều khán giả yêu thương. Ông trân quý vợ - người âm thầm đứng sau, lo chu toàn mọi việc. Ông tự hào về các con, mỗi người một cá tính nhưng ngoan ngoãn, sống tình cảm và có ý chí tự lập cao. Điều tiếc nuối nhất của Xuân Hinh là bố mất sớm, chưa kịp nhìn thấy ông tỏa sáng trên sân khấu.

Gia đình của nghệ sĩ Xuân Hinh. Từ trái qua: con trai Bùi Xuân Quang, vợ Nguyễn Phương Lan, con gái Bùi Bảo Linh, con rể Triệu Quang Đức. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Một khoảng thời gian trước, ông luôn đau đáu việc làm sao để có những thế hệ nghệ sĩ tiếp nối, cũng yêu và có ý thức giữ gìn nghệ thuật truyền thống. Vài năm gần đây, Xuân Hinh vui khi chứng kiến văn hóa dân gian được khán giả đón nhận nhờ những sản phẩm hòa quyện nét truyền thống và hiện đại.

Xuân Hinh sinh năm 1963 nhưng khai sinh thành 1966 để đúng tuổi đi học trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Sau này có nhiều thông tin ghi nghệ sĩ sinh năm 1960 song ông nói lười đính chính, bởi ''tuổi tác đôi khi cũng chỉ là con số''. Tên tuổi ông gắn liền các làn điệu chèo cổ, các ca khúc dân ca quan họ, bài xẩm, chầu văn. Nghệ sĩ được nhớ tới nhiều nhất qua các tác phẩm Thị Màu lên chùa, Thầy bói đi chợ, Người ngựa, ngựa người. Ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1997.

Phương Linh

Link nguồn:

Tags:
Người Mỹ sắp đối mặt mùa mua sắm cuối năm đắt đỏ, ít lựa chọn

Người Mỹ sắp đối mặt mùa mua sắm cuối năm đắt đỏ, ít lựa chọn

Các nhà bán lẻ cảnh báo mùa mua sắm cuối năm sẽ ít mẫu mã và giá cao do khó lên kế hoạch nhập hàng khi thuế quan biến động.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất