Mất gốc ngay tại quê hương

Tôi là người Tây mặt vàng, phải thú thật như vậy. Bởi vì tôi được sinh ra, lớn lên tại Australia nhưng trong gần 28 năm đầu đời, tôi luôn cảm thấy mình lạc trôi. Một người gốc gác Việt Nam sống trong đám đông da trắng, phải làm mọi thứ để hòa nhập, chưa bao giờ tôi thực sự cảm thấy nơi đó là nhà.

23:49 16/05/2025

 

Trong lần đầu trở về Việt Nam, đi tới bất cứ đâu - TP HCM, Hà Nội hay Cam Ranh, Biên Hòa - tôi đều cảm nhận được mùi vị quê hương, mỗi nơi một khác nhưng rất gần gũi, thân thuộc.

Rồi tôi đến thăm nơi mà xưa kia ba mẹ lên thuyền rời khỏi Việt Nam, tôi đã khóc quá trời khóc. Không gì diễn tả được cảm xúc sầu tủi của tôi lúc đó. Tôi đã đi gần 30 năm để trở về, để biết được hình hài khuôn mặt mình.

Vấn đề của tôi được gọi chung là "identity crisis" (khủng hoảng bản sắc). Và tôi không muốn điều tương tự xảy ra với con cháu mình, ngay cả khi chúng sinh ra và lớn lên ở Việt Nam.

Về nước, tôi bắt đầu sáng tác những bài hát đầu tiên. Những sản phẩm bằng thứ tiếng Việt lơ lớ đó đến giờ chính tôi cũng không thể nghe nổi. Công chúng chấp nhận, hẳn phải có sự cảm thông rất lớn với vốn tiếng Việt của tôi. Gần 15 năm qua, tôi nỗ lực cải thiện khả năng ngôn ngữ, được nhiều người ghi nhận có tiến bộ rõ rệt so với hồi đầu trở về. Tôi vẫn tiếp tục học và trau dồi thêm để nuôi dưỡng và bồi đắp gốc Việt của mình. Cùng với quá trình đó, ở chiều ngược lại, tôi luôn cảm thấy sự thúc giục bên trong về việc liệu mình có thể đóng góp gì giúp thế hệ trẻ Việt Nam hòa nhập với thế giới.

Năm 2012, tôi mở trường dạy nhạc, đánh dấu cột mốc đầu tiên bước chân vào lĩnh vực giáo dục. Ý tưởng này xuất phát từ quan sát thực tế khi làm giám khảo các cuộc thi âm nhạc lớn giai đoạn đó. Tôi thấy thí sinh tham dự đa phần chỉ biết hát mà thiếu các kỹ năng nhạc cụ, sáng tác, hay vũ đạo. Và câu hỏi tôi thường được nhận là "đó là ca sĩ hay nhạc sĩ?". Ở Australia, nơi tôi sinh trưởng, không có những thắc mắc như vậy, bởi các nghệ sĩ sẽ được trang bị đầy đủ bộ kỹ năng cho sự nghiệp của mình. Tôi hiểu rằng Việt Nam cần có môi trường giáo dục theo hướng của nền công nghiệp âm nhạc thế giới. Và những lứa học trò đa năng, độc lập đầu tiên của chúng tôi như Vũ Cát Tường, Tiên Tiên đã đạt được thành công nhất định trong sự nghiệp.

Cột mốc thứ hai thúc đẩy tôi tiến sâu vào lĩnh vực giáo dục là khi hai bé sinh đôi của vợ chồng tôi - Khải An và Kiến An - chào đời. Con là tài sản vô giá duy nhất của tôi. Chúng dễ thương, ngây thơ, tình cảm, đời thường. Chúng thương yêu nhau và mọi người xung quanh.

Hai con từng theo học tại một trường quốc tế. Nhiều lần đi học về, các con chào "Hello" với bà. Điều này khiến mẹ tôi không hài lòng.

"Chuyện này không thể xảy ra được". Mẹ tôi dành hơn một giờ đồng hồ nói về việc các cháu có thể học bất cứ thứ gì bên ngoài, nhưng khi về nhà, phải nói tiếng Việt.

Tôi bắt đầu tìm hiểu kỹ hơn và nhận thấy, Việt Nam nằm trong tốp các quốc gia tăng trưởng mạnh về trường quốc tế. Cùng sự phát triển kinh tế, phụ huynh có điều kiện tốt hơn để đầu tư cho con em phát triển toàn diện, giỏi tiếng Anh và có cơ hội du học về sau. Các trường quốc tế đáp ứng được môi trường học hiện đại, thỏa mãn kỳ vọng của phụ huynh. Điều này, về cơ bản là một xu hướng tốt.

Nhưng tôi vẫn băn khoăn, môi trường này đến một lúc nào đó, liệu có khiến tiếng Việt trở thành ngoại ngữ với các em? Ngôn ngữ chỉ là dấu hiệu đầu tiên. Nhưng sự đứt gãy với tiếng mẹ đẻ có thể dẫn đến những đứt gãy khác về văn hóa, truyền thống và bản sắc. Tôi lo ngại thế hệ con mình sẽ mất gốc ngay trên chính quê hương.

Giáo dục quốc tế vì thế chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ để các con trở nên vượt trội, vươn ra thế giới là giữ và phát huy được những giá trị bản sắc của người Việt, nôm na là con hiểu được mình là ai.

Mong muốn cân bằng những tiêu chuẩn giáo dục toàn cầu và giá trị bản sắc cho những đứa trẻ giúp tôi có nhiều động lực để phát triển các trường mầm non, tiểu học, âm nhạc nghệ thuật, thể thao và không gian giáo dục cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ. Tôi áp dụng triết lý đơn giản: bên trong các con đều có những tiềm năng ẩn giấu, cái lõi khác biệt đó như một "bản sắc gốc". Nếu được tạo điều kiện thông qua nền tảng giáo dục toàn diện, các con không chỉ đáp ứng được đòi hỏi ngày càng đa dạng về kỹ năng mà còn phát triển được những tiềm năng riêng.

Giờ đây, hai con tôi đều sõi tiếng Việt, học song song tiếng Việt và tiếng Anh, không coi nhẹ ngôn ngữ nào. Riêng tôi vẫn muốn ưu tiên tiếng Việt, vì khoa học đã chứng minh, khi tiếng mẹ đẻ giỏi hơn, việc tiếp cận ngôn ngữ khác sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Để kết lại, tôi muốn chia sẻ câu chuyện của Thanh Hà, cô học trò âm nhạc của tôi. Lần đầu gặp tôi, cô bé không nói tiếng Việt.

"My name is Jesssia".

Khi tôi hỏi, con có tên Việt Nam không, cô bé nói: "No, Jessica. Please don’t call me by my Vietnamese name".

Tôi hiểu rõ vì sao. Hà cảm thấy lép vế trong môi trường quốc tế. Tên con rất đẹp nhưng bạn bè ngoại quốc lại nghe thành "Haha", và thường trêu chọc.

Sau này, Hà học về nhiếp ảnh và thành công tại New York. Khi gặp lại, tôi đã rất vui: "Jessica, how are you?".

Câu trả lời rõ ràng bằng tiếng Việt: "Thầy ơi, tên con là Thanh Hà".

Như thấy ánh mắt muốn hỏi của tôi, Hà chia sẻ: "Khi con sống ở New York, chính câu chuyện ở Việt Nam là chất liệu để con tạo ra bản sắc riêng, khiến con khác biệt giữa mặt bằng chung của thế giới này".

Kỷ nguyên toàn cầu hóa sẽ hình thành dòng dịch chuyển ra vào tự nhiên về văn hóa, ngôn ngữ giữa các quốc gia. Việt Nam cũng vậy, nằm giữa những luồng giao thoa lớn, hội nhập là nhu cầu tất yếu.

Nhưng chúng ta sẽ không thể hội nhập bình đẳng được nếu không hiểu mình đến từ đâu.

Thanh Bùi

Link nguồn:

Tags:
Chủ tiệm nail bị bắt vì nhiều lần bạo hành con trai của thợ

Chủ tiệm nail bị bắt vì nhiều lần bạo hành con trai của thợ

Chủ của một tiệm nail tại thành phố Savanna, tiểu bang Georgia (Mỹ) đã bị bắt sau khi bị cáo buộc đánh con trai của thợ nail.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất