Kẹo giả và danh tiếng Quang Linh Vlogs

Sau khi bài viết “Kẹo bánh độc hại” của tôi đăng tải, một luật sư liên hệ với tôi để trao đổi về lùm xùm quanh việc Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục quảng cáo cho kẹo rau quả Kera.

22:11 05/04/2025

Cuộc trò chuyện - xoay quanh các vấn đề chuyên môn liên quan đến quy định về sản xuất và buôn bán lương thực, thực phẩm giả - đồng thời giúp chúng tôi nhận ra cả hai đều quan tâm đến cá nhân Quang Linh Vlogs.

Cũng như vị luật sư, tôi đã theo dõi kênh YouTube "Cuộc sống châu Phi" của Quang Linh từ năm 2020. Chúng tôi - và chắc hẳn còn nhiều người khác - đều có thiện cảm và ấn tượng sâu sắc với chàng trai chất phác, chịu thương chịu khó này. Anh đã mang đến những điều ấm áp không chỉ cho người dân Angola, mà còn cho cả cộng đồng người Việt quan tâm, dõi theo hành trình của anh. Những nỗ lực và hoạt động của Linh đã được công chúng đón nhận, và được Nhà nước biểu dương.

Nhưng dựa trên kinh nghiệm nghề nghiệp và quan sát cách công ty CER giới thiệu, quảng bá sản phẩm cũng như xử lý khủng hoảng truyền thông sau đó, chúng tôi đã lo ngại cho Linh.

Tôi không bất ngờ khi Quang Linh bị khởi tố nhưng ít nhiều vẫn tiếc nuối cho chàng trai trẻ này. Sau những thành tựu ở châu Phi, Linh đã đi một bước sai lầm. Sau những điều tốt đẹp, nhân ái anh dành cho người dân Angola, Linh lại đối diện với cáo buộc lừa dối khách hàng - đồng bào của anh trên chính quê hương.

Tiếc nuối cho Quang Linh chỉ là cảm xúc cá nhân, điều tôi trăn trở hơn là vai trò của các bên liên quan trong cuộc chiến chống thực phẩm giả, mà bánh kẹo Kera chỉ là một trong vô số sản phẩm kém chất lượng khác đang được sản xuất và cung cấp cho người tiêu dùng hàng ngày.

Cơ quan điều tra chúng tôi thường phải tập trung đấu tranh với các loại tội phạm trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhà nước, nhân dân. Vấn đề an toàn thực phẩm không phải không được ưu tiên mà trách nhiệm chính, trước tiên thuộc về cơ quan quản lý ở địa phương.

Bộ luật Hình sự xử phạt rất nặng hành vi sản xuất và buôn bán lương thực, thực phẩm giả. Để tránh bị phát hiện, hành vi này đang có xu hướng giả về nội dung hơn là về hình thức tem nhãn, bao bì. Họ sẽ thành lập pháp nhân, có giấy phép an toàn thực phẩm và có phiếu kiểm nghiệm an toàn cho sản phẩm. Nhưng sau khi đủ điều kiện, họ sản xuất thực phẩm không đạt chất lượng như đã công bố. Việc xác định sản phẩm là thật hay giả không còn có thể dựa vào bao bì như trước, mà cần phải qua kiểm nghiệm thực tế.

Tội phạm liên quan đến thực phẩm không phải là loại tội phạm ẩn. Vậy tại sao vấn đề thực phẩm kém chất lượng tồn tại nhức nhối, lại chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời? Như tôi đã đề cập, vấn đề mấu chốt nằm ở Luật An toàn thực phẩm đã hạn chế quyền kiểm nghiệm thực phẩm của chính người tiêu dùng.

Điều 45 Luật An toàn thực phẩm quy định việc kiểm nghiệm thực phẩm được thực hiện theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan và phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Đối chiếu với Điều 48 của luật này, quy định về chi phí lấy mẫu và kiểm nghiệm thực phẩm, thì cá nhân khác có liên quan ở đây được hiểu là những người có tranh chấp, khiếu nại về an toàn thực phẩm. Tức là người tiêu dùng phát sinh hành vi khiếu nại, khiếu kiện trước, sau đó mới yêu cầu cơ quan chức năng kiểm nghiệm thực phẩm.

Theo tôi, để đấu tranh hiệu quả với thực phẩm bẩn thì cần thiết phải có cơ chế ghi nhận kết quả kiểm nghiệm ban đầu của người tiêu dùng. Tức là họ có thể chủ động lấy mẫu thực phẩm đóng gói rồi gửi đi kiểm nghiệm. Nếu kết quả cho ra thực phẩm kém chất lượng thì người tiêu dùng thông báo ngay cho các cơ quan chức năng. Và nhà quản lý sẽ buộc phải tiến hành kiểm nghiệm lại theo đúng quy trình.

Do chưa có cơ chế khuyến khích này, người tiêu dùng gặp nhiều trở ngại nếu muốn tự kiểm nghiệm; còn để yêu cầu cơ quan quản lý thực hiện, họ phải cung cấp các căn cứ, bằng chứng nhất định.

Với hàng nghìn loại thực phẩm đang lưu thông trên thị trường, để kiểm tra thường xuyên, chặt chẽ, không thể chỉ trông chờ vào cơ quan nhà nước. Riêng việc xây dựng kế hoạch, báo cáo, đề xuất; tổ chức kiểm tra, kiểm nghiệm cho đến thanh toán chi phí trên thực tế đã tốn rất nhiều thời gian và nhân lực. Do đó, việc người tiêu dùng được tạo cơ chế để tham gia chủ động hơn vào quá trình kiểm nghiệm, sẽ không chỉ giúp phát hiện thực phẩm bẩn mà còn giảm gánh nặng cho cơ quan quản lý.

Những ngôi sao, người nổi tiếng tham gia quảng bá cũng có thể chủ động mang sản phẩm đi kiểm nghiệm mà không phụ thuộc vào kết quả kiểm nghiệm do nhà sản xuất cung cấp. Đây là cách giúp họ tự bảo vệ mình, qua đó bảo vệ chính người tiêu dùng - những người dễ bị ảnh hưởng bởi tiếng nói của người nổi tiếng.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý thực phẩm ở địa phương cũng cần tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên để nâng cao trình độ cho cán bộ. Đặc biệt cần chủ động xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng để kiến nghị xử lý, chuyển những vụ việc có dấu hiệu hình sự sang cơ quan điều tra để khởi tố, răn đe kịp thời loại tội phạm này.

Hơn 135.000 hộp kẹo Kera được bán ra thị trường, tương đương với doanh thu vài chục tỷ đồng. Cha ông xưa nói "mua danh ba vạn, bán danh ba đồng". Câu chuyện của Quang Linh một lần nữa cho thấy, danh tiếng và sức ảnh hưởng là "một dạng tài sản", có thể tạo nên những giá trị tích cực cho hàng triệu người, nhưng cũng dễ dàng trở thành công cụ bị lợi dụng để đánh đổi niềm tin và lừa dối chính những người đã tin tưởng.

Link nguồn:

Tags:
Động đất Myanmar mang sức mạnh như '334 quả bom nguyên tử'

Động đất Myanmar mang sức mạnh như '334 quả bom nguyên tử'

Giới chuyên gia nhận định trận động đất tại Myanmar giải phóng năng lượng tương đương hàng trăm quả bom nguyên tử.

Tin cùng chuyên mục
Tin mới nhất