Cú sốc nhập hàng hết rẻ từ Trung Quốc của doanh nghiệp Mỹ
Learning Resources ước tính phải gánh thuế quan hơn 100 triệu USD cho hàng nhập từ Trung Quốc năm nay, gấp hơn 40 lần số tiền họ trả hồi 2024.
21:29 13/04/2025
Learning Resources là doanh nghiệp gia đình ba thế hệ tại Chicago (Mỹ), chuyên kinh doanh đồ chơi sản xuất tại Trung Quốc suốt bốn thập kỷ. CEO Rick Woldenberg từng tin rằng có đủ phương án ứng phó với chính sách thuế mới khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
"Khi ông ấy công bố áp thuế 20%, tôi đã lên phương án đối phó với mức 40%, và nghĩ mình rất khôn ngoan", ông kể. Theo Woldenberg, chỉ cần tăng nhẹ giá bán thì công ty vẫn có thể chịu được mức thuế 40%.
Nhưng kịch bản xấu nhất mà ông nghĩ đến vẫn còn quá lạc quan. Chính quyền Mỹ nhanh chóng nâng mức áp thuế lên 54% với hàng từ Trung Quốc và bị Bắc Kinh phản ứng. Trả đũa qua lại khiến tổng mức thuế hàng "made in China" nhập vào Mỹ hiện là 145%.
Kết quả, ông Woldenberg tính rằng phải trả hơn 100 triệu USD thuế nhập khẩu năm nay, từ mức 2,3 triệu USD năm ngoái. "Tôi ước mình có 100 triệu USD. Không chút phóng đại thì cảm giác như tận thế đã đến", ông than thở.

Trong khi đó, nhà kinh doanh đồ chơi MGA Entertainment - sở hữu các thương hiệu L.O.L. và Bratz - tính toán giá bán lẻ của búp bê Bratz có thể từ 15 USD lên 40 USD, còn L.O.L. tăng gấp đôi lên 20 USD vào dịp lễ cuối năm.
Thậm chí, dù sản xuất ngay tại Ohio, thương hiệu đồ chơi Little Tikes của công ty cũng không nằm ngoài tác động, do họ vẫn phụ thuộc vào linh kiện như ốc vít từ Trung Quốc. Isaac Larian, nhà sáng lập MGA Entertainment cho biết giá xe đồ chơi trẻ em của hãng có thể tăng từ 65 USD lên 90 USD.
Theo AP, dấu chấm hết cho kỷ nguyên hàng tiêu dùng giá rẻ tại Mỹ đang đến. Trong hơn bốn thập kỷ, đặc biệt kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, người Mỹ phụ thuộc vào đối tác này hầu như mọi thứ, từ điện thoại thông minh đến đồ trang trí Giáng sinh.
Thập kỷ qua, căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc tăng, Mexico cùng Canada vươn lên dẫn đầu danh sách đối tác cung cấp nguyên vật liệu, hàng cho Washington. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn giữ vị trí thứ ba và là quốc gia lớn thứ hai xuất hàng sang Mỹ.
Theo báo cáo từ ngân hàng đầu tư Macquarie, Trung Quốc hiện cung cấp 97% xe nôi trẻ em, 96% hoa giả và ô dù, 95% pháo hoa, 93% sách tô màu trẻ em và 90% lược chải tóc nhập khẩu vào Mỹ.
Trong nhiều năm, doanh nghiệp Mỹ đã xây dựng chuỗi cung ứng gắn liền với hàng nghìn nhà máy tại Trung Quốc, được thúc đẩy bởi mức thuế thấp. Tính đến đầu năm 2018, mức thuế nhập khẩu trung bình của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc chỉ trên 3%, theo chuyên gia Chad Bown của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.
"Chính người tiêu dùng Mỹ đã tạo ra sự phụ thuộc này. Họ và các nhà bán lẻ đều quen với việc mua hàng giá rẻ và tiện lợi từ Trung Quốc", Joe Jurken, nhà sáng lập ABC Group chuyên dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng tại châu Á, nhận định.
Khi hàng từ Trung Quốc hết rẻ, lạm phát nguy cơ leo thang. "Người tiêu dùng đã bắt đầu nhận thấy điều đó", Stephen Roach, cựu Chủ tịch Morgan Stanley khu vực châu Á, hiện là chuyên gia Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Yale, cho biết. Khảo sát tâm lý tiêu dùng của Đại học Michigan cũng cho thấy người dân Mỹ dự báo lạm phát dài hạn tăng lên 4,4%, so với mức 4,1% của tháng trước.
Không chỉ tăng thuế, chính tốc độ và sự khó đoán trong các tuyên bố của Tổng thống Trump khiến doanh nghiệp rơi vào thế bị động. Nhà sáng lập MGA Entertainment Isaac Larian cảm thấy "quá nhiều bất định" sau loạt đáp trả thuế quan qua lại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. "Không doanh nghiệp nào có thể vận hành bình thường trong môi trường như vậy", ông nói.
MGA cố gắng giảm tỷ lệ sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc từ 65% xuống còn 40% vào cuối năm nay. Công ty này cũng có nhà máy tại Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia, nhưng đều đối diện nguy cơ bị áp thuế cao, nếu ông Trump hiện thực hóa lời đe dọa sau 90 ngày tạm hoãn. MGA cân nhắc cắt giảm đơn hàng quý IV, do lo ngại mức giá cao khiến người tiêu dùng chùn tay.
Marc Rosenberg, CEO The Edge Desk trụ sở tại Deerfield (Illinois) đầu tư hàng triệu USD để phát triển mẫu ghế công thái học trị giá 1.000 USD mỗi chiếc, dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất tại Trung Quốc tháng tới. Nhưng ông đã tạm hoãn kế hoạch sản xuất để tìm kiếm thị trường ngoài Mỹ, gồm Đức và Italy, nơi sản phẩm của ông không bị đánh thuế ba chữ số. Rosenberg nói đang chờ thêm xem tình hình diễn biến như thế nào.
Trước đó, ông từng tìm cách sản xuất tại Mỹ và đã thảo luận với một số nhà cung ứng tiềm năng ở Michigan, song chi phí dự kiến cao hơn 25-30%. "Họ không có lực lượng lao động lành nghề để làm những thứ này và họ cũng không thật sự muốn làm", Rosenberg nói.

CEO Learning Resources Rick Woldenberg nói lời kêu gọi các nhà máy quay lại Mỹ của ông Trump là "trò đùa". "Tôi đã tìm kiếm nhà sản xuất Mỹ từ lâu rồi và chưa tìm được bất kỳ công ty nào có thể hợp tác", ông kể. Hiện công ty ông có khoảng 500 nhân viên, trong đó 90% làm việc tại Mỹ và sản xuất khoảng 2.400 mặt hàng ở Trung Quốc - nơi chiếm 60% hoạt động doanh nghiệp.
Woldenberg cảnh báo nếu không sớm được điều chỉnh hoặc gỡ bỏ, chính sách thuế quan này khiến hàng nghìn nhà cung ứng nhỏ ở Trung Quốc phá sản. Điều này kéo theo thảm họa cho những công ty như của ông, vốn đã đầu tư rất lớn vào các dụng cụ và khuôn đúc tại nhà máy Trung Quốc.
Learning Resources hiện có khoảng 10.000 bộ khuôn đúc, với tổng trọng lượng hơn 5 triệu pound (tương đương 2,2 triệu kg) đang đặt tại Trung Quốc. "Không thể đơn giản chỉ mang một chiếc túi đến nhét số khuôn đúc đó vào rồi rời đi. Không hề có một trung tâm sản xuất nào tại Mỹ đang rảnh rỗi, được trang bị đầy đủ máy móc, kỹ sư và công nhân lành nghề chờ tôi xuất hiện với 10.000 bộ khuôn để sản xuất 2.000 mặt hàng", Woldenberg nói.
Với các chuyên gia, đối đầu thuế quan trở thành "búa tạ" giáng xuống nhà nhập khẩu Mỹ lẫn nhà máy Trung Quốc. "Theo quy mô hiện tại, tác động của thuế quan có thể mang tính hủy diệt ở nhiều cấp độ" ông David French, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách đối ngoại của Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ (NRF) cảnh báo.
Phiên An (theo AP)
Link nguồn:

Du học mỹ 1 năm tốn bao nhiêu tiền? Cập nhật mới nhất 2025
Hệ thống giáo dục ở Mỹ được xem là hàng đầu thế giới, hàng năm thu hút lượng lớn sinh viên quốc tế. Khi du học Mỹ, ngoài việc chuẩn bị hồ sơ xin du học, bạn cần tính toán kỹ các khoản chi phí như học, phí, sinh hoạt, ăn ở,…Điều này giúp bạn thuận lợi hơn khi du học Mỹ. Trong bài viết này, First Consulting Group sẽ giúp bạn cập nhật chi phí du học 1 năm ở Mỹ mới nhất 2025.