Chuyên gia Mỹ hoài nghi về năng lực 'máy bay mắt thần' Triều Tiên
Nội thất máy bay cảnh báo sớm Triều Tiên giống như trong phim Hollywood, nhưng chưa thể hiện rõ năng lực thật sự của khí tài, theo chuyên gia Mỹ.
08:38 31/03/2025
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm 27/3 công bố hình ảnh lãnh đạo Kim Jong-un cùng các quan chức cấp cao thị sát máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không do nước này tự chế tạo. Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng đăng ảnh về phi cơ cảnh báo sớm, thường được gọi là "máy bay mắt thần", dù nó đã xuất hiện trong ảnh vệ tinh thương mại của Mỹ từ nhiều tháng trước.
Ông Kim Jong-un cho biết máy bay cảnh báo sớm "sẽ đóng vai trò quan trọng trong giám sát các mối đe dọa tiềm tàng và thu thập thông tin quan trọng".
Ảnh chụp cho thấy ông Kim đứng cùng các chỉ huy và quan chức bên trong khoang máy bay rộng rãi với hệ thống đèn chiếu sáng trên trần, nhưng không có cửa sổ. Dọc các bức tường là những màn hình cỡ lớn, trong khi dưới nền đặt ít nhất 7 cụm máy cho các quân nhân vận hành. Một màn hình và cụm máy bên trái dường như hiển thị bản đồ bán đảo Triều Tiên.
"Nội thất trông rất hiện đại, gọn gàng và ấn tượng, có thể ví như khung cảnh trong một bộ phim Hollywood nhằm thể hiện công nghệ quân sự cao cấp", biên tập viên Joseph Trevithick của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone nhận xét.

Dù vậy, Trevithick và một số chuyên gia phương Tây vẫn bày tỏ hoài nghi về năng lực của máy bay cảnh báo sớm Triều Tiên. "Máy bay thiếu một số ăng-ten bên ngoài thân, vốn thường xuất hiện trên các phi cơ như A-50U Nga và KJ-2000 Trung Quốc, làm dấy lên câu hỏi về tính năng vận hành và mức độ sẵn sàng hoạt động của nó", chuyên gia Mỹ nêu quan điểm.
"Triều Tiên đã làm chủ được các chức năng kiểm soát, chỉ huy chiến trường phức tạp nhằm tận dụng tối đa ưu thế của máy bay cảnh báo sớm hay chưa" cũng là một trong những câu hỏi được nêu ra.
Hiệu quả của máy bay cảnh báo sớm sẽ phụ thuộc vào khả năng tích hợp phương tiện với hạ tầng chỉ huy và kiểm soát. Loại phi cơ này thường dùng hệ thống liên kết dữ liệu vô tuyến để nhanh chóng chuyển thông tin cho tiêm kích, song không quân Triều Tiên dường như chưa sở hữu công nghệ này.
Theo các chuyên gia phương Tây, tiêm kích hiện đại nhất trong biên chế của Triều Tiên là MiG-29 có thể trang bị hệ thống liên kết dữ liệu, song những mẫu cũ hơn khó lòng tích hợp tính năng này.

Máy bay cảnh báo sớm cũng có thể gửi dữ liệu cho các đơn vị tên lửa phòng không mặt đất, cho phép kíp vận hành hoạt động hiệu quả hơn. Máy bay cũng sẽ giúp Triều Tiên giám sát tình hình trên bán đảo hàng ngày và là công cụ để họ dần làm chủ năng lực cảnh báo sớm.
Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sẽ hoán cải thêm vận tải cơ Il-76 thành máy bay cảnh báo sớm. Điều này có thể hạn chế phạm vi phủ sóng radar trên không, cũng như gây khó khăn trong duy trì năng lực giám sát khi máy bay phải vào nhà xưởng bảo dưỡng.
Theo giới chuyên gia, cần ít nhất 4 máy bay cảnh báo sớm để giám sát liên tục bán đảo Triều Tiên và khu vực xung quanh. Không quân Hàn Quốc đang vận hành 4 máy bay cảnh báo sớm E-737 và dự kiến mua thêm 4 chiếc nữa.
Hãng hàng không Air Koryo của Triều Tiên sở hữu ba vận tải cơ Il-76MD chuyên chở hàng và có thể phục vụ mục đích quân sự khi có yêu cầu, trong đó một chiếc được hoán cải thành máy bay cảnh báo sớm.
Nếu chuyển đổi cả ba chiếc Il-76MD, Triều Tiên sẽ phải cắt giảm năng lực vận tải đường không hạng nặng hoặc mua thêm vận tải cơ từ Nga, do không quân Triều Tiên chỉ biên chế một vận tải cơ hạng trung An-24 và 3 phi cơ hạng nhẹ P-750 do New Zealand sản xuất.

Để khắc phục tình trạng này, Triều Tiên đang phát triển các phương tiện trinh sát tầm xa, trong đó có vệ tinh tình báo và máy bay không người lái (UAV) chiến lược.
Trong chuyến công tác ngày 25-26/3, lãnh đạo Kim Jong-un cùng các quan chức Triều Tiên còn thị sát UAV chiến lược Saetbyol-4. Đây là phi cơ có hình dáng tương đồng với RQ-4 Global Hawk, dòng UAV cỡ lớn do Mỹ chế tạo với khả năng vận hành liên tục trong hơn 30 tiếng và tầm bay gần 23.000 km.
Phát triển năng lực giám sát, do thám và đẩy mạnh các chương trình hạt nhân, tên lửa và UAV được nhận định là một phần trong chiến lược rộng lớn của Triều Tiên, nhằm củng cố năng lực tác chiến để ứng phó với lợi thế quân sự của các lực lượng mà họ coi là đối địch như Mỹ và Hàn Quốc.
"Chưa rõ khả năng sẵn sàng hoạt động của máy bay cảnh báo sớm mà Triều Tiên chế tạo, song sự xuất hiện của nó cho thấy chiều hướng mới trong nỗ lực hiện đại hóa hạ tầng giám sát, kiểm soát hoạt động quân sự của Bình Nhưỡng", các biên tập viên của chuyên trang quân sự Bỉ Army Recognition đánh giá.
Nguyễn Tiến (Theo War Zone, AFP, AP)
Link nguồn:

Bước ngoặt trong cuộc gặp Tổng thống Trump - Zelensky: Phó tổng thống Vance
Cuộc gặp tại Nhà Trắng khởi đầu tốt đẹp, nhưng dần biến thành khẩu chiến khi Phó tổng thống JD Vance lên tiếng công kích Tổng thống Ukraine.