Chuyện gì đang xảy ra ở Mỹ: Nghiên cứu mới cho thấy 25% người Mỹ giàu nhất chỉ sống thọ bằng 25% người nghèo nhất Tây Âu?
Nước Mỹ đang đi một mình một nẻo trên biểu đồ tuổi thọ và thu nhập bình quân đầu người.
23:39 10/04/2025
Không có gì phải nghi ngờ, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra giàu có là một yếu tố giúp bạn gia tăng tuổi thọ. Người giàu thường có điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao, từ khám chữa bệnh định kỳ đến các phương pháp điều trị tiên tiến. Họ cũng có khả năng chi trả cho chế độ ăn uống lành mạnh, giàu dinh dưỡng và môi trường sống an toàn, ít ô nhiễm.
Ngược lại, người nghèo thường phải đối mặt với căng thẳng tài chính, lao động nặng nhọc và ít khi quan tâm đến chăm sóc sức khỏe. Điều này tất yếu dẫn đến nguy cơ mắc bệnh cao hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn.
Sự chênh lệch này tạo ra khoảng cách rõ rệt về tuổi thọ giữa hai nhóm.
Một nghiên cứu mới đây trên tạp chí Tạp chí Y học New England cho thấy những người giàu nhất nước Mỹ và Châu Âu đang có tỷ lệ tử vong vì mọi nguyên nhân thấp hơn 40% trong vòng 12 năm sau khi họ vượt qua tuổi 50.
Quy ra thành con số, 25% người giàu nhất đang sống thọ hơn 25% người nghèo nhất từ 10-15 tuổi.
Thế nhưng, có một kết quả hết sức bất ngờ khác mà nghiên cứu này chỉ ra. Đó là tỷ lệ tử vong sau tuổi 50 của những người giàu nhất nước Mỹ hóa ra chỉ ngang bằng những người nghèo nhất ở Tây Âu.
"Ngay cả những người thuộc nhóm giàu nhất cũng bị ảnh hưởng"
Nghiên cứu mới được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Trường Y tế Công cộng Đại học Brown. Trong đó, họ đã thu thập và phân tích dữ liệu của hơn 73.000 người trưởng thành tại Mỹ và các khu vực khác nhau ở Châu Âu.
Những người này có độ tuổi từ trung niên, ngoài 50 tuổi đến 85 tuổi vào năm 2010, thời điểm dữ liệu về họ được thu thập. Các nhà khoa học sẽ theo dõi sức khỏe, tỷ lệ tử vong và tình trạng tài chính của những người này trong suốt 12 năm.
Dựa trên tình trạng tài chính, người tham gia ở cả Mỹ và Châu Âu được chia thành bốn nhóm (tứ phân vị), từ nhóm giàu nhất, nhóm giàu, đến nhóm nghèo và nhóm nghèo nhất. Kết quả cho thấy những người giàu hơn thường sống lâu hơn người nghèo, đặc biệt là tại Mỹ, nơi khoảng cách giữa giàu và nghèo lớn hơn nhiều so với Châu Âu, khoảng cách chênh lệch tuổi thọ của họ cũng vậy.
Tỷ lệ tử vong sau tuổi 50 theo tứ phân vị giàu nghèo ở Mỹ (A), Bắc và Tây Âu (B), Nam Âu(C) và Đông Âu (D).
Thế nhưng khi so sánh tỷ lệ tử vong giữa hai khu vực, các nhà nghiên cứu phát hiện người Mỹ có tỷ lệ tử vong sau tuổi trung niên cao hơn 13-20% so với nhóm người Đông Âu. Con số là 30% khi so sánh với nhóm Nam Âu và tới 40% khi so với nhóm những nước Tây và Bắc Âu phát triển.
Điều này khiến 25% những người giàu nhất nước Mỹ thực ra chỉ có tuổi thọ ngang với 25% người sống ở các quốc gia Tây Âu như Đức, Pháp và Hà Lan.
"Chúng tôi nhận thấy địa vị tài chính của bạn trong phân bố tài sản của quốc gia ảnh hưởng đến tuổi thọ, và vị trí của bạn so với người khác ở quốc gia khác cũng quan trọng", tiến sĩ Sara Machado, đồng tác giả nghiên cứu tại Trung tâm Bền vững Hệ thống Y tế của Đại học Brown cho biết.
"Điều này cho thấy việc cải thiện kết quả sức khỏe không chỉ là thách thức với nhóm dễ tổn thương – ngay cả những người thuộc nhóm giàu nhất cũng bị ảnh hưởng".
Tuổi thọ dân số Mỹ giảm xuống mức thấp nhất sau 3 thập kỷ
Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tuổi thọ trung bình của người Mỹ từ năm 2020 đến năm 2021 giảm xuống còn 76,1 tuổi, mức thấp nhất kể từ năm 1996.
Để so sánh, con số này vào năm 2020 là 77 tuổi, cũng thấp hơn mức 78,8 tuổi của năm 2019. Điều này xảy ra chủ yếu là do tỷ lệ tử vong cao trong đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định người Mỹ không thể chỉ đổ lỗi cho đại dịch đang làm suy giảm tuổi thọ của họ, bởi xu hướng này đã xảy ra từ hơn 10 năm trước, trước cả khi có đại dịch COVID-19.
Thậm chí, nó đã được tiên đoán một cách chính xác.
Tuổi thọ trung bình của người Mỹ thấp hơn hẳn các quốc gia phát triển khác.
Năm 2013, giáo sư Steven Woolf, một nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng tại Đại học Virginia Commonwealth đã xuất bản một bài báo trên Kỷ yếu Viện Hàn lâm Hoa Kỳ dự đoán sự suy giảm tuổi thọ của người Mỹ.
Điều đáng nói là nghiên cứu này được công bố ngay tại thời điểm các số liệu thống kê đều cho thấy tuổi thọ của họ đang có xu hướng tăng, đạt tới 78,8 năm. Tuy nhiên, tầm nhìn của Woolf đã tỏ ra đúng đắn khi ngay sau năm 2014, tuổi thọ trung bình của người dân Mỹ đạt tới 78,9 tuổi và bắt đầu suy giảm.
Ba năm tiếp theo, mỗi năm, con số lại rút ngắn xuống hơn 1 tháng. Đến năm 2017, trung bình một người Mỹ chỉ sống đến 78,6 tuổi, kém xa mức 82,4 tuổi ở các nước phát triển khác.
"Hoa Kỳ là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới, nhưng vẫn chưa phải là quốc gia khỏe mạnh nhất. Mặc dù tuổi thọ và tỷ lệ sống sót ở Hoa Kỳ đã được cải thiện đáng kể trong thế kỷ qua, nhưng người Mỹ sống thọ ít hơn và gặp nhiều thương tích và bệnh tật hơn so với người dân ở các quốc gia có thu nhập cao khác", giáo sư Woolf cho biết.
"Bất lợi về sức khỏe của Hoa Kỳ không thể chỉ được quy cho tình trạng sức khỏe bất lợi của các nhóm thiểu số chủng tộc hoặc dân tộc hoặc người nghèo, bởi vì các nghiên cứu gần đây cho thấy rằng ngay cả những người Mỹ [giàu hơn] có nhiều lợi thế hơn cũng có thể có sức khỏe kém hơn so với những người đồng cấp của họ ở các quốc gia khác".
Link nguồn:

Mỹ: Phạt người di cư gần 1.000 USD/ngày nếu không rời đi sau lệnh trục xuất
Chính quyền Mỹ có kế hoạch phạt những người di cư bị trục xuất 998 USD/ngày nếu họ không rời khỏi Mỹ và tịch thu tài sản của họ nếu không trả tiền phạt.